Thông tin mới này từ Văn phòng Chính phủ đã tạm khép lại những ý kiến của dư luận trong tuần qua về việc nghị định trên không cho phép các cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ...
Trước mắt, có hai đề xuất để có sự quy củ trong việc quyên góp, phân phối tiền, hàng giúp đỡ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng…
Với con số quyên góp hơn 150 tỉ đồng cho đồng bào bị lũ lụt miền Trung, ca sĩ Thủy Tiên được đông đảo dư luận quý mến, ủng hộ. Ảnh: NVCC
1. Nên chính thức thừa nhận quyền cứu trợ của mọi cá nhân, tổ chức, không phân biệt của nhà nước hay ngoài nhà nước
Đã có không ít sự giật mình khi việc không cho người ngoài nhà nước tổ chức cứu trợ theo quy định của Nghị định 64/2008 bị khui ra. Bởi lẽ chuyện cứu trợ cho các vùng bị thiên tai không phải đến bây giờ mới được những ca sĩ Thủy Tiên, danh hài Hoài Linh… tổ chức làm mà hoạt động cứu trợ của các cá nhân theo dạng này đã có từ rất lâu.
Thay cho việc đóng góp tiền, hàng vào các cơ quan của Nhà nước (như Ủy ban MTTQ các cấp, Hội Chữ thập đỏ…) để các nơi này phân phối thì nhiều cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước đã tự tổ chức gom góp, trực tiếp trao tiền, hàng cho những người bị thiệt hại. Dựa trên quyền được chọn lựa nơi đóng góp tin cậy, ưng ý của mọi cá nhân, tổ chức mà những hoạt động cứu trợ ngoài nhà nước như thế đạt được rất nhiều hiệu quả.
Ấy thế, Nghị định 64/2008 lại bó hẹp thành phần được tổ chức cứu trợ, gây trở ngại cho hoạt động tương thân, tương ái đúng, tốt trong thực tiễn. Cụ thể, ngoài những cơ quan của Nhà nước theo quy định được quyền vận động, tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ thì nghị định này không cho tổ chức, đơn vị, cá nhân nào khác được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Như vậy, thay vì nói miệng là khuyến khích người ngoài nhà nước tham gia cứu trợ (vì là chuyện tốt nên không có lý gì lại cấm) thì nghị định mới cần phải chính thức thừa nhận quyền tham gia hoạt động cứu trợ ngoài nhà nước đó. Theo đó, hành vi “lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi” vẫn cứ tiếp tục bị cấm để người làm tốt được biểu dương, khen thưởng, người làm sai sẽ bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý căn cứ theo các quy định phù hợp.
Ca sĩ Ái Phương cùng các nghệ sĩ khác đã đồng hành cùng báo Pháp Luật TP.HCM kêu gọi người dân hỗ trợ để mang tấm lòng đến đồng bào miền Trung. Ảnh: QUỲNH TRANG
Cá nhân ca sĩ Thủy Tiên đã tự quyên góp được hơn 150 tỉ đồng để hỗ trợ kịp thời cho bà con miền Trung vượt qua cơn thiên tai. Ảnh: plo.vn
2. Quy định rõ nhiệm vụ của chính quyền trong việc hỗ trợ các cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước làm tốt việc cứu trợ
Theo chỉ đạo mới của Thủ tướng thì UBND các tỉnh, thành phải khẩn trương phối hợp với Ủy ban mặt trận tổ quốc cùng cấp, Hội Chữ thập đỏ và các cơ quan liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động cứu trợ đúng địa chỉ, đối tượng.
Điều đáng nói là do không cho cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ và cũng không quy định họ được quyền phân phối tiền, hàng nên Nghị định 64/2008 đã không quy định về trách nhiệm hỗ trợ cần thiết dành cho họ.
Nay thể theo chỉ đạo đúng đắn nêu trên của Thủ tướng, đi kèm với việc chính thức thừa nhận, nghị định mới cần giao nhiệm vụ tương ứng cho các cơ quan chức năng lẫn chính quyền địa phương.
Chi tiết hơn, đối với mọi cá nhân, tổ chức có nguyện vọng, nhu cầu tự cứu trợ, chính quyền sẽ phải kịp thời cung cấp thông tin về tình trạng thiên tai, các địa điểm cần được cứu trợ...
Cùng với việc tư vấn, hướng dẫn, chính quyền có thể có thêm các hỗ trợ khác phù hợp để người làm cứu trợ dễ chọn lựa, quyết định, để có sự an toàn, hợp lý cho chính họ và cho những người cần được giúp đỡ.
Khi đó, với các thông tin được tiếp nhận trở lại từ các nhóm cứu trợ, chính quyền có thể có sự điều phối hợp lý, chẳng hạn là tập trung tiền, hàng mà các cơ quan của Nhà nước tiếp nhận được vào những vùng sâu, nguy hiểm mà các nhóm cứu trợ ngoài nhà nước đã không có điều kiện tìm đến.
Tóm lại, trong việc cứu trợ, các cơ quan của Nhà nước cùng các cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước đều cần có những điểm tựa pháp lý để cùng nhau làm đúng quy định. Qua đó đảm bảo được sự minh bạch, khách quan, công bằng giữa những người, cơ quan, đơn vị tổ chức cứu trợ và những người cần được cứu trợ.