Hải Vân - thiên hạ đệ nhất hùng quan (kỳ 3): ​Phòng lũy Hải Vân quan

Hải Vân quan, cổng Đà Nẵng - Ảnh: Q.V.
Hải Vân quan, cổng Đà Nẵng - Ảnh: Q.V.

“Trước khi có sự biến mất hoàn toàn các dấu tích cuối cùng của cửa quan ải An Nam trên đỉnh đèo Hải Vân, địa điểm cao nhất của đường cái quan nối liền Huế với Đà Nẵng, tôi nghĩ cần hồi phục các kỷ niệm của nó... 

Than ôi, đây cũng là một trong những công trình xây cất hiếm hoi tại An Nam, khơi dậy hình ảnh của một thời rực rỡ và cường thịnh nay đã mất... Thời đó nó là một cơ cấu phòng thủ đủ để đẩy lùi các loại quân địch xuất hiện bất ngờ và ngăn chặn có hiệu quả mọi sự qua lại”.

Từ đầu thế kỷ trước, Henri Cosserat đã cảm thán như thế khi nghiên cứu, viết về thiên hạ đệ nhất hùng quan ở nước Việt.

Dấu xưa, nền cũ

Trong tập VIII, bộ Bulletin des Amis du Vieux Hue (Những người bạn cố đô Huế), người Pháp này đã viết lại những câu đầy trách nhiệm với hậu thế: “Từng ngày, từng giờ, thời gian đang hoàn tất công việc phá hoại của nó. Kỷ niệm đang phai mờ dần trong tâm tư những thế hệ tiếp nối, để rồi đây không còn lại gì nữa, nếu chúng ta không lưu tâm đến việc giữ gìn dấu vết của cửa ải đó bằng cách nhắc lại lịch sử của nó cho những kẻ đến sau chúng ta được biết”.

Một chiều chớm đông năm 2014, chúng tôi trở lại Hải Vân quan để trải nghiệm cảm xúc của Cosserat từ trăm năm trước.

Hình ảnh quan ải thực tế đã có phần hơi khác thời ông phác họa, nhưng những bậc đá từng lưu dấu tiền nhân vẫn còn lặng trơ trên đỉnh dốc cheo leo.

Khi Cosserat đến đây, người Pháp đã làm lại con đường thuộc địa qua cung đèo này. Cổng Hải Vân xưa được triều Nguyễn xây dựng để kiểm soát khách bộ hành giờ nằm cách xa vài mét bên cạnh chứ không còn ngay trên đỉnh đầu người đi đường.

Mở đầu Cosserat viết: “Từ Đà Nẵng ra, khi theo con đường ngoằn ngoèo, ngoạn mục lên đến đỉnh Hải Vân, ở đây ta thấy bên phải một cổng lớn bằng gạch rất đẹp, vòm bán nguyệt, kiến trúc công phu chẳng khác gì các kiến trúc của cổng thành Huế.

Cổng này trồi lên cao phía Đà Nẵng, và người đi đường, khi lên đây từng chặng theo lối quanh co lên xuống của con đường, có thể thấy đỉnh vòm in hình rõ nét trên nền trời. Cổng này thường được gọi là cổng Đà Nẵng.

Cổng này là thành phần của một lũy phòng thủ xưa kia chắn lối toàn bộ đèo Hải Vân và là cửa ngõ để vào bên trong một vị trí phòng thủ có đường quan trước đây của người An Nam chạy ngang qua.

Đường quan này sau khi quẹo ngoặt về phía phải, đi xuyên qua vị trí phòng thủ, thì thấy tiếp tục vượt qua một cái cổng khác giống như cổng Đà Nẵng nằm ở phía Huế được gọi là cổng Huế”.

Hệ thống cửa lũy này theo cá nhân Cosserat thuộc Đồn Nhất, có nghĩa vị trí phòng thủ thứ nhất. Khi ông ta đến, bức tường bằng đá dày của lũy phòng thủ xưa kia chắn kín lối qua lại hai bên cửa vẫn còn đó, nhưng có một đoạn đã bị phá để người Pháp làm đường mới.

Các lỗ châu mai đặt pháo được bố trí đều nhau về bên trái và bên phải của cổng Đà Nẵng với mỗi bên ba lỗ. Tuy nhiên, thời điểm Cosserat có mặt pháo binh đã vắng bóng, chỉ còn mấy khẩu súng nằm dài trên cỏ dưới chân tường với tình trạng còn tốt. Chúng cho thấy người xưa đã đặt pháo trên đỉnh đèo này để án ngữ vị trí thiên hiểm nhất trên Hải Vân.

Từ phía nam muốn ra Huế phải qua được trận địa pháo binh. Những gì mà Cosserat nhìn thấy ở mặt cổng trên cao ngày nay vẫn còn đọc được dù đã hơi bị phai mờ. Đó là ba chữ Hải Vân quan được khắc lớn theo hàng ngang trên phiến đá ở cổng Đà Nẵng.

Còn hàng dọc có dòng chữ nhỏ hơn với nghĩa được xây dựng vào ngày tốt năm Minh Mạng thứ bảy. Ở cổng Huế có khắc chữ nhưng là tên Thiên hạ đệ nhất hùng quan, và cũng có thêm dòng chữ nhỏ khắc được xây dựng vào ngày tốt năm Minh Mạng thứ bảy.

Cosserat ghi lại chi tiết địa hình mà người sau vẫn có thể kiểm chứng là cổng Huế được xây ở trên vị trí cao hơn hẳn cổng Đà Nẵng. Người xưa từ Nam ra Huế, sau khi qua cổng Đà Nẵng phải leo thêm một số bậc cấp nữa mới đến được cổng Huế. Khách bộ hành qua lại đều bị kiểm soát chặt chẽ.

Họ chỉ được đi khi có sự cho phép của quan trấn thủ. Khi Cosserat có mặt, các ngôi nhà ở của quan, lính vẫn còn dấu vết đổ nát. Ngoài ra còn có kho thuốc súng, đạn pháo và chiến cụ canh phòng...

Thành Điện Hải, phòng tuyến phía nam Hải Vân - Ảnh tư liệu
Thành Điện Hải, phòng tuyến phía nam Hải Vân - Ảnh tư liệu

Tầm nhìn quân phòng

Nhiều lữ khách phương Tây như Cosserat qua cổng đèo Hải Vân này đều có nhìn nhận cách quốc phòng nghiêm ngặt của người Việt.

Tuy nhiên, nó cũng có sự thay đổi theo biến động thời cuộc. Năm 1885, nhân viên bưu chính Camille Paris qua đèo thấy: “Cái cổng, được gọi là Hải Vân quan, do một đội trưởng và năm người An Nam canh gác. Một bức tường dày trên đầu có miệng răng cưa để bố trí pháo, liên kết điểm cao gần đó. Sáu khẩu pháo xưa cũ, ba khẩu mỗi bên...

Hai cánh cửa rất lớn bằng gỗ kiền kiền xoay quanh trên những bản lề gắn vào bức tường dày năm mét, một cánh chặn sự xâm nhập vào đỉnh đèo theo con đường đi Huế, một cánh thì phòng vệ mạn dốc thẳng đứng về phía vịnh Đà Nẵng. Không thể đi theo lối nào khác ngoài hai cánh cửa này... Hai cánh cửa được đóng lại từ khi mặt trời lặn cho đến lúc mặt trời mọc, hoặc thấy trời có vẻ như vậy”.

Đại Nam thực lục chính biên chép dưới triều vua Minh Mạng năm thứ bảy, 1826, việc xây dựng Hải Vân quan được thực hiện. Trước đó, ở đây đã có trạm nhưng chưa có công trình xây dựng quy mô kiên cố để đặt hỏa pháo bố phòng.

“Mùa xuân, tháng 2. Xây đắp cửa Hải Vân ở đỉnh núi Hải Vân, phía trước sau đều đặt một cửa quan (ngạch trước ba chữ “Hải Vân quan”, ngạch sau viết sáu chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Cửa trước bề cao và bề dài 15 thước 1 tấc, ngang 17 thước 5 tấc; cửa sau bề cao 15 thước, bề dài 11 thước, bề ngang 18 thước 1 tấc; cửa tò vò đều cao 10 thước 8 tấc, bề ngang 8 thước 1 tấc; hai bên tả hữu cửa quan xếp đá làm tường trước sau liền nhau). Sai Thừa Thiên và Quảng Nam thuê dân làm, vài tháng làm xong”.

Đã từng qua đèo Hải Vân, vua Minh Mạng hiểu rất rõ vị trí “yết hầu” của phòng thủ này. Ngay sau khi xây xong cửa quan, ông đã cho trang bị hỏa pháo. Về sau những gì mà người phương Tây nhìn thấy chỉ còn là chút tàn tích một thời vàng son của nhà nước An Nam.

Sử liệu Đại Nam thực lục ghi: “Phái biền binh 4 đội Hữu sai và 2 đội Ứng sai chở súng ống đến để đấy (súng quá sơn bằng đồng năm cỗ, ống phun lửa 200 ống, pháo thăng thiên 100 cây và thuốc đạn theo súng) theo viên trấn thủ đóng giữ. Chuẩn định từ Hải Vân trở ra Bắc thuộc quản hạt Thừa Thiên, từ Hải Vân trở vào Nam thuộc quản hạt Quảng Nam”.

Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chi tiết cả dải Hải Vân từ Nam đến Bắc, từ bãi biển lên đỉnh núi đều có quân đội bố phòng cẩn mật, liên thông, và được trang bị vũ khí tốt nhất để sẵn sàng tiếp ứng nhanh chóng cho nhau. “Đặt hiểm để giữ vững là việc trước tiên trị nước, cất chứa đầy đủ là việc cốt yếu để đề phòng. Vì là có sẵn thì tự nhiên không lo, mà lo xa thì mới có thể thường yên được”. Đó chính là lời của Bộ Hộ tâu lên vua Minh Mạng về tầm nhìn xa của việc quan phòng vệ quốc.

____________

Kỳ tới: Những người lính trấn thủ

Theo QUỐC VIỆT (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm