Thủ đoạn của các bị cáo là đóng vai người mua, người bán nhà, đất và đóng giả đại gia giàu có đi xe hơi có nhu cầu mua nhà, đất để tìm những cò đất có tiền để “giăng bẫy”.
Cụ thể, chúng phân công bên bán đi tìm người có nhà, đất cần bán rồi thỏa thuận với chủ nhà nâng giá bán và giá đặt cọc để chúng hưởng chênh lệch. Xong nhóm bán đi tìm “con mồi” nói có nhà đất cần bán đề nghị giới thiệu để hưởng hoa hồng. Xong đâu đó, bên mua đóng giả đại gia giàu có cần mua nhà đất cho vợ bé hoặc làm ăn kinh doanh. Chúng đi xe hơi đến gặp con mồi nói cần mua nhà, đất và được giới thiệu đúng nhà, đất mà bên bán đã “gài”.
Sau khi xem xét, ngã giá, đồng ý mua thì “đại gia” giả vờ có việc gấp nên để đàn em lại cùng với số tiền từ 50-100 triệu đồng đặt cọc. Tuy nhiên, thường chủ nhà phải đòi cọc cao hơn nên chúng gợi ý cho cò đất hùn thêm tiền cọc để việc mua bán diễn ra nhanh chóng. Cò đất tưởng thật nên bỏ tiền ra đặt cọc giùm, sau khi cầm được tiền cọc cả nhóm biến mất không tên tuổi, không số điện thoại.
Theo hồ sơ, Trương Văn Tuấn (tự Tuấn cà phê) cầm đầu nhóm lừa đảo này đã cùng với Phan Văn Nghiệp, Tăng Hữu Tường, Châu Quốc Tuấn, Ngô Nguyễn Anh Vũ, Nguyễn Việt Hải, Phạm Thanh Đoàn, Trần Hồng Nhẫn, Nguyễn Văn Khiêm, Nguyễn Văn Phê, Nguyễn Văn Bé, Nguyễn Văn Quang, Dương Văn Tám và Nguyễn Văn Hòa bàn bạc phương thức, phân công vai trò từng người đóng giả bên mua, bên bán, mang tên giả, dùng sim rác… gây ra chín vụ lừa đảo với tổng số tiền hơn 2,8 tỉ đồng.
Trong đó, Tuấn cà phê tham gia 5 vụ, thu lợi bất chính hơn 570 triệu đồng; Nghiệp 5 vụ, gần 650 triệu đồng; Tường 3 vụ, hơn 100 triệu đồng; Quốc Tuấn 6 vụ, 60 triệu đồng; Vũ 4 vụ, 110 triệu đồng; Hải 4 vụ, 54,5 triệu đồng; Đoàn 3 vụ, 75,5 triệu đồng; Nhẫn 1 vụ, 44 triệu đồng; Khiêm 2 vụ, 217 triệu đồng; Phê 2 vụ, 21,5 triệu đồng; Bé 1 vụ, 40 triệu đồng; Quang 1 vụ , 90 triệu đồng; Tám 1 vụ, 20 triệu đồng; Hòa 1 vụ, 105 triệu đồng.
Hiện tại, Quang, Khiêm đã đi khỏi địa phương nên công an tách vụ của Khiêm ra, làm rõ sau. Ngày 16-7-2013, Nghiệp chết nên cơ quan điều tra đã đình chỉ điều tra với Nghiệp. Ngoài ra, các bị cáo còn thực hiện lừa đảo tương tự trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Vũng Tàu nên công an Cần Thơ đã chuyển các vụ án cho các tỉnh điều tra theo thẩm quyền.
Vụ thứ nhất, khoảng tháng 10-2009, Tuấn cà phê bàn bạc cùng Nghiệp phân công Tường lấy tên giả là Trường gặp ông NVV (được ông DVD nhờ tìm người mua đất 396m2, giá 400 triệu đồng) giả danh là người cần mua đất. Sau khi gặp ông D., Tường đồng ý làm môi giới đất cho ông D. nhưng với điều kiện phải nâng giá đất lên 750 triệu đồng để Tường được hưởng chênh lệch. Đồng thời khi đặt cọc thì ông D. phải yêu cầu đặt cọc từ 350 triệu đồng trở lên, lấy lý do là giấy đất đã cầm cho người khác nên cần đặt cọc cao để chuộc giấy.
Sau khi phía ông D. đồng ý với yêu cầu của Tường thì Tuấn cà phê (lấy tên là Hưng) đến gặp bà TTDH. để nhờ bà H. môi giới giúp mua đất ở huyện Phong Điền (Cần Thơ) cho anh của mình. Theo kế hoạch đã sắp xếp từ trước thì ba ngày sau Tường đến gặp bà H. nhờ bà bán giùm miếng đất ở cùng địa chỉ mà Tuấn (Hưng) cần mua, nếu bán được Tường sẽ cho bà H. 20 triệu đồng nên bà đồng ý và thông báo cho Tuấn (Hưng) biết.
Đến ngày 19-10-2009, Châu Quốc Tuấn giả danh anh trai của Tuấn (Hưng) đến xem đất và đồng ý mua với giá 750 triệu đồng rồi về gấp do có việc và để lại 50 triệu đồng đặt cọc để cho Tuấn (Hưng) giữ nhằm tạo lòng tin với bà H. Đến hôm sau, Tuấn (Hưng) tiếp tục tạo lòng tin với bà H. nên thống nhất để bà H. ký hợp đồng mua bán đất với phía ông D. Do phía mua chỉ để lại 50 triệu đồng nên bà H. phải bỏ thêm 300 triệu đồng để đặt cọc cho đủ. Tường khai, sau khi cầm 350 triệu đồng thì đưa cho phía ông D. 50 triệu đồng như thỏa thuận ban đầu còn lại 300 triệu đồng chúng chia nhau... Khoảng tháng 10-2012 bà H. có đơn tố cáo.