Ông Thế cũng chỉ đạo làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan vì để xảy ra vụ việc mà không kịp thời phát hiện. “Tôi đã giao trưởng phòng Nội vụ căn cứ trên cơ sở kiểm điểm tập thể, cá nhân của Hạt Kiểm lâm và UBND xã Đak Rơ Wa để tham mưu về hình thức xử lý. Sau này khi phối hợp thanh tra, kiểm tra, điều tra xác minh ra vụ việc thì tôi hứa không bao che bất cứ trường hợp nào. Nếu trong xã có ai tham gia hay ngành nào có ông nào đứng sau lưng thì sẽ xử lý tới nơi tới chốn” - ông Thế khẳng định.
Trước đó, người dân phản ánh việc có nhóm người vận chuyển gỗ lậu bằng bè dọc theo sông Đak Bla đoạn qua xã Đak Rơ Wa, sau đó tập kết về một mỏ cát ở thôn Kon Ri trước khi tuồn về các xưởng chế biến.
Ngày 17-1, tại hiện trường, hàng chục chiếc bè được tạo bằng cách cột nhiều ruột xe tải với nhau đang lững lờ chở gỗ trên sông. Mỗi bè thồ 2-4 khúc gỗ dài 3-5 m, theo từng tốp 2-3 bè. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng di chuyển đến mỏ cát thuộc quản lý của Công ty TNHH Vật liệu xanh Bảo Sơn bên bờ sông Đak Bla (thôn Kon Ri) thì thấy có hai xe cẩu và ba xe tải, trong số này có hai xe tải chất đầy gỗ.
Khi UBND xã Đak Rơ Wa, Hạt Kiểm lâm TP Kon Tum tiến hành kiểm tra thì những chiếc xe chở gỗ và xe kéo đã rời khỏi hiện trường. Tuy nhiên, gỗ lậu vẫn còn 25 lóng.
Theo ông Vũ Hồng Sinh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP Kon Tum, cơ quan chức năng vẫn chưa biết dưới sông còn gỗ hay không, cần phải kiểm tra lại, song phần tang vật thu giữ được có tổng khối lượng là hơn 8,2 m3.
Theo ông Phan Thanh Nam, Chủ tịch UBND xã Đak Rơ Wa, hiện chưa xác định được chủ gỗ nhưng qua nắm thông tin, đối tượng vận chuyển gỗ bằng bè là người thiểu số. Rất có thể họ vận chuyển về bán lại cho “đầu nậu” thu mua hoặc khả năng thứ hai là mua về làm nhà. Về câu hỏi có việc một công ty bảo kê hay tiếp tay cho lâm tặc hay không, ông Nam cho biết sẽ kiểm tra, rà soát lại cho rõ ràng.
Nói về nguồn gốc số gỗ trên, ngành chức năng khẳng định không phải khai thác trên địa bàn mà từ nơi khác đưa về bởi TP Kon Tum không còn rừng…