Lần đầu tiên đăng đàn phát biểu tại hội trường, đại biểu Phan Đức Hiếu (CIEM) đã có một phát biểu gọn, đi thẳng vào những vấn đề mà ông cho là các báo cáo tại kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV nên nhấn mạnh.
“Đề nghị bổ sung, các báo cáo nên nhấn mạnh đến đóng góp của lực lượng doanh nghiệp và người dân trong quá trình phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua. Tôi đánh giá rất cao nỗ lực của DN trong việc vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển sản xuất. Đây là những đóng góp rất thiết thực cho việc thực hiện nhiệm vụ mục tiêu kép”, ông Hiếu mở đầu.
Trong báo cáo thực hiện mục tiêu kép trong giải pháp phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021-2025, ông Hiếu đề nghị bổ sung nội dung tăng cường phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan, địa phương trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Áp dụng nguyên tắc công nhận lẫn nhau và công khai thông tin về các biện pháp phòng dịch, ứng dụng mạnh mẽ CNTT…
“Trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh ở các địa phương rất khác nhau và các biện pháp phòng chống dịch cũng rất khác nhau. Trong một hoàn cảnh nào đó, đây là các biện pháp cần thiết nhưng sự khác biệt giữa các biện pháp phòng chống dịch dẫn đến sự ùn tắc trong lưu thông hàng hoá và con người.
Đại biểu Phan Đức Hiếu phát biểu tại tổ hôm 22-7. Ông Hiếu cho rằng các địa phương cần phải "công nhận lẫn nhau" để chống ùn tắc hàng hóa, con người. Ảnh: QH
Theo tôi nắm được, hiện vẫn đang diễn ra sự ùn tắc về mặt hàng hóa nên việc phối hợp giữa các địa phương, giảm tối đa các điều kiện, biện pháp khác biệt không cần thiết sẽ làm tăng sự lưu thông, vận chuyển hàng hoá”, ông Hiếu phân tích và thông tin.
Về việc đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19, ông Hiếu đề nghị ứng dụng mạnh mẽ CNTT, công khai các thông tin về các biện pháp phòng chống dịch, các chính sách hỗ trợ, thậm chí cho người dân có ý kiến góp ý, phản biện trực tiếp lên các ứng dụng.
“Như vậy thì sẽ tăng niềm tin của người dân, tăng thông tin chính thống, thậm chí giảm được những thông tin sai sự thật…”, ông Hiếu nói.
Về hỗ trợ doanh nghiệp, ông Hiếu đề xuất bên cạnh hỗ trợ về tài chính thì cần bổ sung xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, chuyển đổi và cơ cấu lại. Bởi các biện pháp hỗ trợ tài chính là cần thiết nhưng xét về mặt dài hạn, nếu doanh nghiệp không có chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực thì về dài hạn, ngay cả khi hỗ trợ về mặt tài chính thì doanh nghiệp cũng không “hấp thụ” được.
Đặc biệt, ông Hiếu đề nghị bổ sung nội dung rà soát nhanh chóng bãi bỏ các quy định cản trở đổi mới sáng tạo, hoàn thiện các quy định nhằm tạo thuận lợi cho việc cơ cấu lại DN, thúc đẩy cạnh tranh…
“Dự thảo nghị quyết dùng các cụm từ phổ biến là “tiếp tục”, nhưng tôi cho rằng không thể tiếp tục mà phải “nhanh chóng”. Cá nhân tôi có mong muốn đưa ra một thời hạn nhanh chóng nhất nhưng quả thật rất khó để đưa ra một khái niệm nhanh chóng nhất hiện nay. Dùng cụm từ “bãi bỏ” thay cho cụm từ rà soát, bổ sung. Chính phủ đang làm rất tốt trong việc bãi bỏ hàng nghìn quy định về điều kiện kinh doanh trong thời gian qua”, ông Hiếu phân tích.
Theo ông, đây là một điều kiện để cơ câu lại nền kinh tế hướng tới một nền kinh tế năng động hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn.
“Như vậy việc cải cách thể chế là cần thiết, tạo nền tảng cho việc đổi mới căn cơ nền kinh tế”, ông Hiếu kết thúc phát biểu.