Hiện nay tình trạng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam (VN) ngày một gia tăng. Hàng nước ngoài có xu hướng mượn xuất xứ VN để hưởng lợi bất hợp pháp từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà VN tham gia hoặc sử dụng xuất xứ VN để lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu.
Người Việt tiếp tay hàng ngoại đội lốt hàng Việt
Ông Nguyễn Quốc Anh (Chủ tịch Hiệp hội Cao su - nhựa TP.HCM) cho biết chủ yếu là hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc (TQ) nhập khẩu bằng đường chính ngạch có, tiểu ngạch có, sau đó dán mác “made in VN”.
“Hàng xuất xứ TQ không còn được người tiêu dùng (NTD) VN lựa chọn dù giá rẻ do chất lượng kém, không rõ nguồn gốc, chứa nhiều hóa chất độc hại. Vì vậy, nhiều sản phẩm TQ gắn mác hàng Việt để lừa NTD. Nhiều mặt hàng TQ không chỉ gian lận gắn mác “made in VN” mà còn làm giả, làm nhái thương hiệu hàng VN gần giống từ bao bì đến các chức năng của sản phẩm. Hậu quả là sức tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp (DN) Việt bị giảm sút mạnh, chưa kể còn bị NTD nghi ngờ về uy tín thương hiệu” - ông Quốc Anh chia sẻ.
Theo ông Quốc Anh, không phải dễ dàng mà các mặt hàng ngoại nhập gắn mác “made in VN” nếu không có sự tiếp tay của các thương nhân trong nước. Chính một số người Việt đang bắt tay với các DN nước ngoài để nhập hàng về. Không dừng lại ở việc một số DN Việt tự ý chuyển đổi xuất xứ mà hàng hóa giả còn được sản xuất, in, đóng gói trực tiếp từ TQ, sau đó tuồn về VN tiêu thụ.
Mới đây, Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) cũng đã có khuyến cáo không loại trừ khả năng hàng của TQ sẽ đội lốt “made in VN” để xuất khẩu khi DN TQ đưa hàng bán thành phẩm sang VN gia công hoặc hợp tác với DN Việt rồi gắn nhãn mác của VN.
Trên thị trường hiện có nhiều sản phẩm nước ngoài gắn mác hàng Việt làm người tiêu dùng khó phân biệt. Ảnh: HTD
Phải chặn từ gốc
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định hàng hóa của TQ vào Mỹ bị đánh thuế cao nên phía DN TQ có thể sẽ tìm cách gắn mác nước khác, trong đó có VN. Bởi VN là nước láng giềng của TQ, thuận tiện cho việc vận chuyển. Đồng thời với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng dệt may, da giày, đồ gia dụng… của VN sang Mỹ như hiện nay, việc DN TQ chọn VN là một trong những nước trung gian để xuất khẩu sang Mỹ là kịch bản có thể lường trước.
Điều đáng nói hiện chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại VN nên NTD trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “made in VN”. Ngoài ra, theo ông Hiếu, hiện nay khi xử lý các vụ giả mạo xuất xứ, các cơ quan chức năng thường chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, mức phạt nhẹ. Từ đó ông Hiếu cho rằng cơ quan chức năng cần mạnh tay truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi vi phạm gian lận xuất xứ “made in VN”.
“Cần xử lý nghiêm, nặng hành vi tiếp tay cho hàng ngoại giả mạo xuất xứ hàng VN” - Chủ tịch Hiệp hội Cao su - nhựa TP.HCM Nguyễn Quốc Anh cũng đề xuất. Theo ông Quốc Anh, để ngăn chặn, trước mắt các DN Việt nên hướng dẫn rõ cho NTD đến hệ thống cửa hàng, đại lý phân phối chính thức của DN, đồng thời xây dựng việc nhận diện thương hiệu hàng hóa cho NTD dễ tiếp cận, nhận biết.
Còn theo chuyên gia thương hiệu Lý Trường Chiến, “Các mặt hàng giả mạo xuất xứ sản xuất tại nước ngoài phải bị ngăn chặn ngay tại các cửa khẩu mới hiệu quả. Khi đã lọt vào trong nước, việc kiểm tra mất rất nhiều công sức cho cơ quan chức năng. Việc để hàng giả có xuất xứ nước ngoài đi sâu vào nội địa là do sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng như quản lý thị trường, biên phòng, hải quan... thiếu đồng bộ”.
Cần quy định ghi nhãn xuất xứ Việt Nam Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), việc gian lận ghi nhãn sản xuất tại VN không chỉ làm ảnh hưởng đến NTD mà còn tác động đến sản xuất trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại VN. Từ đó, Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo trước mắt việc ghi nhãn sản xuất tại VN nên được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, tự kê khai và trên nguyên tắc chứng minh được tiêu chí hàng trải qua công đoạn sản xuất, gia công có phát sinh giá trị tại VN. Cạnh đó, cần sớm hoàn thiện thể chế pháp lý về ghi nhãn sản xuất “made in VN”, đáp ứng được yêu cầu của NTD và thị trường. Các nước xử lý sao? Hành vi cố tình ghi sai nhãn xuất xứ hàng hóa đều bị phạt nặng. Chẳng hạn, theo quy định của Ý, tổ chức, cá nhân gắn nhãn “made in Italy” vào sản phẩm đồ da không đáp ứng tiêu chí sản xuất tại đây có thể phải nộp phạt tới 100.000 euro. Còn tại Canada, nhà sản xuất vi phạm ghi nhãn hàng hóa có thể bị phạt hành chính tới 15 triệu đôla Canada hoặc bị xử lý hình sự... |