Công viên là nơi vui chơi, tập thể dục của người dân, tuy nhiên hiện nay hàng loạt công viên lớn, nhỏ như công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), Gia Định (quận Gò Vấp, Phú Nhuận), Lê Thị Riêng (quận 10), ngã ba An Phú (quận 2), Phạm Huy Thông (Gò Vấp)… đều bị “xẻ thịt” nhằm mục đích kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ.
Bát nháo xe hàng rong
Theo ghi nhận của PV, công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phố đi bộ Nguyễn Huệ luôn trong tình trạng buôn bán hàng rong nhộn nhịp. Đồ ăn nhanh, đồ nướng, chiên xào, nước uống… được phục vụ tận tình trải dài khắp phố đi bộ. Thậm chí người bán hàng còn bố trí sẵn ghế để khách có thể ngồi lại ăn uống. Bên cạnh đó, không ít người dân trang bị sẵn thảm để ngồi tại đường ăn uống, nghỉ ngơi. Sau mỗi “bữa tiệc” là rác ngập tràn phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Tương tự, Công viên Gia Định cũng trở thành nơi kinh doanh của quán cà phê, rạp xiếc nằm chắn một góc công viên tại vòng xoay Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp). Phía đường Đặng Văn Sâm, Hoàng Minh Giám có rất nhiều xe bán hàng lưu động với đủ loại đồ ăn, thức uống, ngang nhiên đậu dưới lòng đường, cản trở giao thông.
Chị Trần Thị Linh (Gò Vấp) cho biết hoạt động buôn bán tại Công viên Gia Định diễn ra tấp nập từ sau 17 giờ. “Hàng ăn đậu dưới lòng đường để buôn bán gây ùn tắc giao thông, xả rác tại chỗ mất vệ sinh. Khi lực lượng chức năng xuất hiện, người bán hàng chạy dạt sang phía đường đối diện, rồi sau đó lại đâu vào đấy” - chị Linh bức xúc nói.
Bên cạnh các công viên lớn bị cửa hàng bủa vây thì hàng loạt công viên nhỏ khác cũng trở thành nơi kinh doanh của người bán hàng rong. Điển hình tại công viên ngã ba An Phú có nhiều xe đẩy bán các mặt hàng khác nhau, bàn ghế được rải dọc hết tuyến vỉa hè này. Việc buôn bán hầu như diễn ra cố định mỗi buổi tối.
Tại công viên đường Phạm Huy Thông (phường 7, quận Gò Vấp) hiện đang chỉnh sửa, nâng cấp hai tuyến đường nội bộ, song công viên đang bị nhiều hàng rong chiếm dụng để buôn bán, sau khi bán hết hàng, chủ hàng rong thường vứt rác thải bừa bãi mà không dọn dẹp.
Tình trạng buôn bán hàng rong ở công viên ngã ba An Phú (quận 2). Ảnh: THU TRINH
Lấn chiếm lề đường ở Công viên Gia Định để buôn bán. Ảnh: THU TRINH
Xả rác sau khi buôn bán hàng rong ở Công viên Phạm Huy Thông. Ảnh: THU TRINH
Thiếu lực lượng chức năng?
Đại diện Ban quản lý công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phố đi bộ Nguyễn Huệ (gọi tắt là ban quản lý) cho biết tình trạng buôn bán hàng rong đã xảy ra từ khi công viên mới đi vào hoạt động. Tuy nhiên, hiện lực lượng bảo vệ chỉ đẩy đuổi các hộ bán hàng rong chứ không có lực lượng chức năng xử lý.
“Bên cạnh đó, ban quản lý có 18 nhân viên bảo vệ, dù buổi tối phân công 12 bảo vệ nhưng chỉ làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự cũng đã không xuể. Để giải quyết tình trạng bán hàng rong thì cần sự phối hợp giữa lực lượng của ban quản lý và chính quyền địa phương” - đại diện ban quản lý cho hay.
Phía Công viên An Phú, ông Hoàng Lê Phương, Chủ tịch UBND phường An Phú, cho biết khu đất công viên này là do Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Điền Phúc đề nghị trồng cỏ, tạo mảng xanh phía trước dự án khu nhà ở cao tầng. Khu đất này nằm trong phạm vi quy hoạch nút giao An Phú, chưa được đầu tư xây dựng.
Ông Phương cho biết thêm đa số người bán hàng rong là dân nhập cư, buôn bán vì cuộc sống mưu sinh. Phía UBND phường cũng đã tích cực ra quân và tuyên truyền ý thức cho người dân. Tuy nhiên, chưa thể giải quyết triệt để vì tang vật thu được không giá trị nhiều nên họ bỏ không đóng phạt. Trong quá trình xử lý, phường còn gặp khó khăn khi nhân lực có hạn.
Phía Công viên Phạm Huy Thông, ông Trần Hữu Cảnh, Phó Chủ tịch UBND phường 7, quận Gò Vấp, cho hay phường sẽ ra quân đồng loạt giữa ba phường là 6, 7, 17 để giải quyết triệt để các trường hợp chiếm dụng công viên làm nơi kinh doanh, buôn bán, trả lại mặt bằng công viên cho người dân vui chơi, giải trí. Song song đó, phường sẽ tiến hành tổng dọn vệ sinh rác thải tại công viên.
Ông Cảnh cho biết thêm: “Trong quá trình xử lý, phường còn gặp một số khó khăn như người bán hàng rong là dân tạm trú, khi tịch thu tang vật và phạt hành chính thì họ chấp hành nhưng khi không có lực lượng chức năng thì vẫn bát nháo như thường. Cạnh đó, công viên cũng chưa có đơn vị chủ quản nên cần sự phối hợp từ nhiều phường tại quận Gò Vấp”.
Kiến nghị bố trí bán theo giờ Phía UBND phường 3, quận Gò Vấp cho biết phường đã tổ chức ra quân kiểm tra, xử lý các hành vi sử dụng trái phép vỉa hè, lòng đường, tịch thu nhiều tang vật vi phạm tại Công viên Gia Định. Đồng thời, phường thường xuyên phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm tra và duy trì chốt chặn hằng ngày. Tuy nhiên, trong các đợt kiểm tra, chốt chặn thì tình trạng mua bán, lấn chiếm có giảm nhưng khi các lực lượng đi khỏi thì xảy ra tình trạng tái chiếm. UBND phường 3 cũng cho hay phường sẽ kiến nghị các cấp nên xem xét bố trí khu vực mua bán nước giải khát, thức ăn nhanh trong công viên theo giờ nhất định. Việc bố trí này vừa phục vụ cho người dân khi vào công viên, vừa giải quyết được tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì thực tế khu vực công viên không có căn tin để phục vụ các nhu cầu của người dân như nước giải khát, đồ ăn vặt,...trong khi nhu cầu thực tế của người dân thì rất lớn. |