Hành khách bất ngờ với khoản thu bảo hiểm của các hãng xe công nghệ

(PLO)- Nhiều người dùng không biết mình đang phải trả thêm tiền để mua bảo hiểm khi sử dụng dịch vụ của các hãng xe công nghệ như Grab, Gojek, Be.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian qua, các hãng xe công nghệ triển khai dịch vụ bán thêm bảo hiểm cho khách hàng, tuy nhiên người dùng cho rằng một số hãng bán dịch vụ này một cách mập mờ khiến bản thân như bị "móc túi".

Thiếu tính minh bạch

Là người thường xuyên đi làm bằng xe công nghệ, anh Nguyễn Đình Kiên, ngụ ở quận Đống Đa, Hà Nội, cài app nhiều hãng xe công nghệ như Grab, Gojek, Be. Tuy nhiên, bản thân anh không hề biết các hãng này đang triển khai dịch vụ bán bảo hiểm cho hành khách, bởi anh không nhận được bất kỳ thông báo nào từ các hãng qua app hoặc qua hệ thống gmail đã đăng ký.

Cách đây một ngày, anh và một người bạn cùng đặt xe Grab từ khu vực Mỹ Đình đi Hồ Tây, nhưng giá tiền trên app của anh Kiên cao hơn người bạn 4.000 đồng. Sau đó, anh được bạn chỉ vào góc cuối cùng bên phải của app, nơi có dấu “…” để huỷ dịch vụ “Ride Cover” (dịch vụ nhận voucher khi chuyến xe bị trễ và quyền lợi bảo hiểm tai nạn cho các chuyến đi) và dịch vụ “khoản đóng góp trung hòa các - bon” (giảm lượng khí phát thải các bon trên mỗi chuyến đi và đơn đặt).

Hãng xe công nghệ đang thu bảo hiểm
Hành khách vào dấu "..." để đăng ký hoặc huỷ dịch vụ của Grab. Ảnh: V.LONG

Tiếp đó, anh nhận được gmail với nội dung: “Bạn đã hủy đăng ký, vì vậy bạn sẽ không còn được áp dụng chính sách bảo hiểm tai nạn trả phí được cung cấp bởi Chubb. Hiện bạn chỉ được áp dụng chính sách bảo hiểm tai nạn cá nhân được hỗ trợ bởi Grab”.

Anh Kiên cho hay 4.000 đồng để mua bổ sung hai gói dịch vụ trên cho mỗi chuyến đi không phải là số tiền lớn đối với anh, nhưng bản thân cảm thấy sự thiếu minh bạch. “Vì hai dịch vụ hãng triển khai đều được đặt mặc định mua, trong khi chẳng ai biết để vào huỷ. Nếu minh bạch và xem trọng khách hàng, hãng đã đưa thông tin trên ra ngoài và mặc định chế độ huỷ. Sau đó khách hàng sẽ tự lựa chọn mua hoặc không…”- anh Kiên nói.

Tương tự, chị Trần Thị Trà My, cho biết thường xuyên đặt xe của hãng Gojek, nhưng gần đây mới phát hiện ở góc dưới cùng bên phải có hình dấu “+”, nhấn vào mới xuất hiện tiêu đề “dịch vụ bổ sung” (tặng 1 voucher chuyến đi nếu đón bạn trễ quá 10 phút; quyền lợi bồi thường tử vong và thương tật vĩnh viễn lên đến 500 triệu đồng, với hạn mức bồi thường tử vong tối đa 500 nghìn đồng). Dịch vụ này được Gojek thu với giá 2.000 đồng.

“Cách làm trên của hãng cho thấy sự mập mờ, móc túi người dùng, bởi lẽ hãng hoàn toàn có thể đưa thông tin đó ra ngoài, hoặc để chế độ mặc định huỷ dịch vụ thay vì bật chế độ mặc định khách hàng mua dịch vụ bổ sung...”- chị My bức xúc và cho rằng nếu cộng hàng trăm chuyến xe, số tiền hãng thu về không hề nhỏ.

hang-xe-cong-nghe.jpg
Hành khách có thể nhấn vào hình chiếc khiên để đăng ký hoặc huỷ dịch vụ của Gojek. Ảnh: V.LONG

Còn hãng Be, có nêu bật dòng chữ "chuyến đi có bảo hiểm Trip Care" dễ nhận biết hơn, với giá 6.000 đồng mỗi chuyến. “Tuy nhiên, khách hàng nào không để ý nhấn nút huỷ thì đương nhiên được cộng vào tổng cước đi”- anh Phan Quốc Hợp ngụ ở quận Hà Đông, Hà Nội cho hay.

"Giúp khách trải nghiệm chuyến xe an toàn"

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PLO, đại diện Grab tại Việt Nam cho biết hai dịch vụ “Ride Cover”, “trung hòa carbon” ra đời lần lượt từ 2020 và 2021, với mục đích mang lại cho người dùng trải nghiệm chuyến xe an toàn và giảm phát thải khí carbon góp phần ứng phó biến đổi khí hậu.

hang-xe-cong-nghe-3.jpg
Hai dịch vụ trên cùng được hãng Grab bán cho hành khách. Ảnh: V.LONG

Grab khẳng định hai tính năng trên người dùng có thể lựa chọn mua hoặc không, tức “tuỳ vào sự lựa chọn của mỗi người dùng”. Trong đó, bằng việc bỏ ra 2.000 đồng/chuyến xe cho dịch vụ Ride Cover, người dùng có quyền lợi bảo hiểm tai nạn cá nhân lên đến 500 triệu đồng mỗi vụ tai nạn và phiếu ưu đãi dịch vụ Grab trị giá 20.000 đồng nếu chuyến xe bị huỷ sau 10 phút hoặc tài xế đón trễ quá 10 phút so với thời gian dự tính.

“Tương tự, người dùng trả khoản phí từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng để mua dịch vụ “trung hòa carbon” cho mỗi chuyến là góp tiền mua tín chỉ carbon từ Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Keo Seima, dự án phục hồi và bảo tồn các khu rừng ở Đông Nam Á đang có nguy cơ bị tàn phá, ngăn chặn việc thải khí nhà kính vào khí quyển; và chuyển trực tiếp cho Quỹ Sống để trồng rừng đầu nguồn tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận…”- đại diện Grab cho hay.

anh-xe-cong-nghe.png
Đối tác tài xế Gojek nhận hỗ trợ từ gói bảo hiểm tai nạn cơ bản miễn phí từ Gojek. Ảnh: T.UYÊN

Tuy nhiên, đại diện Grab không lý giải nguyên nhân vì sao không hiển thị dịch vụ ra ngoài để khách hàng dễ nhìn. Hãng chỉ cho biết đối với khách hàng chưa từng sử dụng dịch vụ Ride Cover sẽ được gửi thông báo đến gmail để lựa chọn đăng ký hoặc không.

Tương tự, đại diện Gojek tại Việt Nam thừa nhận có triển khai bán dịch vụ như khách hàng nêu. Dịch vụ này được hiển thị ở phần dưới cùng bên phải, biểu tượng “hình chiếc khiên”. Tuy nhiên, hãng khẳng định Gojek mặc định không tự động thu vào cước phí di chuyển của khách hàng. Chỉ khi khách hàng nhấn vào biểu tượng chiếc khiên và chọn kích hoạt “Quyền lợi chuyến đi” mới phải trả thêm mức phí 2.000 đồng cho mỗi chuyến đi.

hang-xe-cong-nghe-2.jpg
Hành khách có thể chọn đăng ký hoặc huỷ dịch vụ của Gojek. Ảnh: V.LONG

Theo đó, khách hàng sẽ được đảm bảo ba quyền lợi trong suốt chuyến đi: quyền lợi về cam kết đón đúng giờ, quyền lợi bồi thường và quyền lợi chi phí y tế. Cạnh đó, khách hàng và đối tác tài xế Gojek còn được tham gia gói bảo hiểm tai nạn cơ bản miễn phí từ Gojek trong suốt các chuyến đi. “Tất cả những tiện ích này nhằm giúp đảm bảo trải nghiệm an toàn và liền mạch cho người dùng…”- đại diện Gojek cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm