Ngày 23-6, TAND huyện Nga Sơn, Thanh Hóa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần ba đối với bị cáo Hoàng Văn Trung (ngụ xã Nga Phương, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa). HĐXX phạt Trung 24 tháng tù về tội cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 134 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Mức án này bằng mức án mà tòa đã phạt Trung trong hai lần xét xử sơ thẩm trước đó. Vụ án xảy ra từ bảy năm trước.
Không rõ tung tích viên gạch gây án và phim X-quang
Theo cáo trạng lần ba của VKSND huyện Nga Sơn, khoảng 16 giờ ngày 18-9-2014, Trung đến phòng kế toán của Nhà máy gạch tuynel Nga Sơn làm việc.
Bị cáo Hoàng Văn Trung liên tục kêu oan và khẳng định không dùng gạch
đập vào đầu bị hại. Ảnh: ĐẶNG TRUNG
Tại đây, Trung gặp ông Phạm Văn Dũng (sinh năm 1965, hơn Trung 20 tuổi) cũng đang làm việc. Trung nghi ngờ ông Dũng đã thuê người đánh mình nên cả hai đôi co rồi xô xát. Trung chạy ra sân lấy một viên gạch xây dựng màu đỏ, loại hai lỗ đến đánh ông Dũng.
Lúc này ông Dũng né được và lấy tay ôm đầu thì bị trúng vào mu bàn tay phải chảy máu. Sau đó, một cán bộ nhà máy đến can ngăn thì Trung vứt viên gạch ra sân rồi đi về nhà.
Theo kết luận giám định, ông Dũng bị chấn thương vỡ đầu xa xương bàn 1 ngón cái bàn tay phải 8%, chấn thương đốt 1 ngón cái bàn tay phải 3%, sẹo vết thương phần mềm vùng mu đốt bàn ngón 2 bàn tay phải 1%.
Mu bàn tay phải của ông Dũng bị sưng nề, đau nhức nhưng ông không đến bệnh viện mà tự rửa, băng bó vết thương tại nhà. Hôm sau, thấy ngón cái bàn tay phải hạn chế vận động nên ông đến BV đa khoa Nga Sơn chụp X-quang. Theo kết quả X-quang thì ông Dũng bị gãy ở đốt 2 ngón cái bàn tay phải. Ông Dũng đã làm đơn tố giác.
Từ đây, Trung bị khởi tố tội cố ý gây thương tích vì dùng hung khí nguy hiểm là viên gạch, đánh vào bàn tay phải của ông Dũng, gây tổn thương cơ thể 12%.
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra (CQĐT) không thu thập được viên gạch gây án, không thu thập được phim chụp X-quang. Theo VKS, tại thời điểm năm 2014, máy chụp X-quang không lưu giữ hình ảnh và kết quả của phim chụp. Bị hại thì không còn lưu giữ. Tuy vậy, VKS cho rằng đủ căn cứ kết tội Trung.
Hai lần hủy án Án sơ thẩm lần một và lần hai của TAND huyện Nga Sơn phạt Trung 24 tháng tù. Sau đó, hai bản án sơ thẩm bị cấp phúc thẩm hủy, yêu cầu điều tra lại với lý do giữa bệnh án điều trị và kết luận giám định có mâu thuẫn về vị trí vết thương (đốt 1 hay đốt 2 ngón 1 của bàn tay phải). Thời điểm xem xét dấu vết, tay ông Dũng bó bột, điều tra viên không tháo bột mà vẫn xem xét được dấu vết là không chính xác, không khách quan, không đúng sự thật. Đáng chú ý, lời khai của bị hại và người làm chứng không nói rõ về diễn biến vụ xô xát. |
Đốt tay bị gãy khi nào?
Bảy năm qua, Trung liên tục kêu oan. Tại các phiên tòa, Trung trình bày rằng mình từ trong phòng có chạy ra ngoài cầm gạch nhưng chỉ lấy để tự vệ, chứ không cầm gạch tấn công ông Dũng. Trung không vào trong nữa mà chỉ đứng ở cửa. Những người làm chứng tại hiện trường cũng khai không thấy Trung đập gạch vào đầu ông Dũng.
Tại tòa sơ thẩm lần ba, luật sư bào chữa cho Trung cho rằng việc kết tội Trung là không đủ căn cứ.
Luật sư lập luận: Chỉ sau một ngày xô xát, nếu gãy đốt 2 ngón cái bàn tay phải thì khó có thể nào viết, ký giấy biên nhận và viết báo cáo tố giác tội phạm dài năm trang. Mặc dù bị hại cho rằng viết bằng cổ tay, tuy nhiên khi cho thực nghiệm viết bằng cổ tay ngay tại tòa thì bị hại không làm được.
Về vấn đề không thu được phim X-quang, luật sư cho rằng nếu không tìm được phim X-quang chụp ngay sau khi xô xát thì không chứng minh được đốt ngón tay của ông Dũng bị gãy do xô xát với Trung. Như vậy, việc ông Dũng bị gãy đốt ngón tay chưa chắc là gãy trong vụ này.
Theo luật sư, biên bản xem xét dấu vết do CQĐT lập năm ngày sau khi vụ việc xảy ra là mẫu đã cũ, không đúng quy định pháp luật về cả nội dung lẫn hình thức. Cấp phúc thẩm hai lần hủy án để làm rõ vị trí vết thương, xem xét dấu vết… nhưng quá trình điều tra lại, những vấn đề này vẫn không được làm rõ.
Từ đó luật sư đề nghị áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội đối với Trung nhưng tòa tuyên 24 tháng tù. Sau khi tòa tuyên án sơ thẩm lần ba, Trung tiếp tục kháng cáo kêu oan.
Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm lần ba nói gì? PV Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Tạ Văn Tuyển, Phó Chánh án TAND huyện Nga Sơn, thẩm phán chủ tọa phiên tòa sơ thẩm lần ba, về những vấn đề của vụ án. . Phóng viên: Tòa đánh giá tầm quan trọng của phim chụp X-quang ở thời điểm ban đầu sau khi xảy ra vụ xô xát, cũng như viên gạch vật chứng thế nào? Việc không tìm thấy chúng ảnh hưởng gì đến việc kết tội? + Ông Tạ Văn Tuyển: Nhà máy gạch chỉ có một loại gạch như viên gạch mà bị cáo cầm gây án. Giờ để xác định viên gạch vật chứng chính xác là viên gạch nào thì rất khó bởi đã để lộn xộn trong số gạch ở nhà máy. Đối với phim chụp X-quang, BV đa khoa huyện Nga Sơn đã trả lời bằng văn bản cho CQĐT là không lưu được, bởi thời điểm năm 2014, máy móc chưa hiện đại. Còn bị hại thì không nhớ có giao nộp phim X-quang chụp sau khi xô xát cho CQĐT hay không. Phim X-quang thể hiện tổn thương, còn viên gạch là hung khí trong hồ sơ điều tra ban đầu. Việc không thu thập được chúng không ảnh hưởng đến quá trình xét xử, đồng thời vẫn đủ căn cứ kết tội bị cáo. . Vậy theo ông, kết quả điều tra lần thứ ba có đáp ứng được yêu cầu mà cấp phúc thẩm đã chỉ ra khi hủy án không? + Bị cáo luôn kêu oan rằng chỉ cầm gạch để tự vệ chứ không cầm để tấn công bị hại. Bị cáo cho rằng vết thương của bị hại là do lúc xô xát bị hại đấm trượt vào cạnh cửa. Tuy nhiên, khi thực nghiệm điều tra, bị cáo không có mặt. CQĐT cho một người đóng vai bị cáo, một người đóng vai bị hại diễn lại hành vi. Cả hai thực hiện những động tác xô xát và dùng tay đấm nhưng không có vấn đề gì là đụng chạm vào cạnh cửa hay tường. Cấp phúc thẩm nêu rằng “khi xem xét dấu vết, tay ông Dũng bó bột, điều tra viên không tháo bột mà vẫn xem xét được dấu vết là không khách quan”. Chúng tôi nhận thấy ý này chưa chuẩn vì có bó bột đâu mà tháo, chỉ nẹp lại. Thực tế, nhiều vụ án hình sự, sau khi hủy án thì kết quả điều tra lại chỉ có thể đáp ứng tương đối yêu cầu của cấp phúc thẩm thôi. Vì vậy, vụ án này những yêu cầu mà cấp phúc thẩm đặt ra, CQĐT đã đáp ứng, tuy không tuyệt đối nhưng chứng cứ đủ để kết tội. . Thực nghiệm điều tra lại chỉ có bị cáo và bị hại thì có đảm bảo đúng theo diễn tiến sự việc hay không, thưa ông? + Việc dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi là để xác định cho rõ ràng hành vi chạy ra ngoài lấy viên gạch của bị cáo Trung. Bị cáo cho rằng lấy gạch để tự vệ là không đúng. Tại phiên tòa, tôi cũng đã làm rõ ý thức của bị cáo khi cầm viên gạch, không phải để tự vệ. Thực nghiệm hành vi của bị cáo, bị hại là đủ. . Nhưng thưa ông, hồ sơ vụ án thể hiện người làm chứng tại hiện trường khai rằng không thấy bị cáo cầm gạch đập vào đầu ông Dũng? + Có ba người làm chứng thì chỉ có một người can ngăn. Người làm chứng tên Tuấn đứng can ngăn giữa bị hại và bị cáo. Luật sư của bị cáo cho rằng anh Tuấn đứng giữa can ngăn hai người kể từ sau khi bị cáo đã chạy ra ngoài cầm viên gạch. Ba người làm chứng khai rằng “có thấy Trung cầm viên gạch nhưng không thấy Trung dùng gạch đập vào đầu Dũng”. Tuy nhiên, việc xảy ra rất nhanh, không kịp cho người làm chứng thấy Trung cầm gạch đập vào đầu ông Dũng. . Vậy ông đánh giá thế nào về tình tiết này: Vụ xô xát xảy ra vào buổi chiều hôm trước thì sáng hôm sau, bị hại tay sưng phù nề, đau nhói (theo kết luận điều tra), vẫn làm việc bình thường, có viết giấy biên nhận, đặc biệt là viết đơn tố giác tội phạm dài năm trang gửi cơ quan công an? + Thắc mắc này cũng đã được nêu ra và giải quyết tại các phiên tòa. Việc viết bằng cổ tay như lời khai của bị hại có thể thực hiện được. Hơn nữa, bị hại bị chấn thương, sưng nề nhưng không đến nỗi không cầm được viết. Không chỉ trường hợp này, nhiều trường hợp khác cũng vậy. Ban đầu đau âm ỉ, sau mới phát ra sưng nề, chứ không phải bị đánh xong là sưng luôn. . Xin cám ơn ông. |