Acecook là chủ sở hữu nhãn hiệu “Hảo Hảo” từ năm 2005. Đầu năm 2015, Acecook phát hiện trên thị trường bày bán mì ăn liền “Hảo Hạng, mì tôm chua cay” của Asia Foods. Acecook từng có văn bản khuyến cáo gửi Asia Foods. Sau nhiều động thái, tháng 4-2015 Acecook đã kiện ra tòa, yêu cầu bốn vấn đề: xác định hành vi vi phạm của Asia Foods, buộc chấm dứt vi phạm, Asia Foods đăng báo xin lỗi công khai trong ba kỳ, bồi thường thiệt hại gần 700 triệu đồng cho Acecook.
Khoản bồi thường thiệt hại chi tiết gồm 80 triệu đồng chi phí thuê luật sư giải quyết, 100 triệu đồng chi phí ngăn chặn, khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra và trên 510 triệu đồng lợi nhuận bất chính mà Asia Foods thu được từ hành vi kinh doanh sản phẩm vi phạm. Tuy nhiên, tại phiên xử mới đây Acecook rút yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại bằng với lợi nhuận bất chính trên 510 triệu đồng.
Asia Foods cho rằng mình đưa ra sản phẩm thử nghiệm với mẫu mã bao bì cải tiến với khoảng 120.000 thùng mì. Sau khi nhận công văn của Acecook thì Asia Foods có thiện chí tạm ngừng sản xuất mì mang mẫu mã bao bì cải tiến này. Asia Foods cho rằng mình không vi phạm nhãn hiệu Hảo Hảo của Acecook.
Trong quá trình giải quyết vụ án, Acecook tự yêu cầu giám định và cung cấp cho tòa án kết luận giám định mì Hảo Hạng có xâm phạm mì Hảo Hảo. Không chấp nhận kết quả này, Asia Foods yêu cầu tòa cho giám định lại. Vì vậy TAND tỉnh Bình Dương đã ra quyết định trưng cầu giám định. Kết quả trưng cầu này vẫn có nội dung Hảo Hạng tương tự, gây nhầm lẫn với Hảo Hảo.
Tại tòa, Asia Foods không chấp nhận kết quả giám định, yêu cầu giám định sở hữu công nghiệp lại lần nữa.
Tòa án cho rằng Asia Foods đã được tiếp cận kết quả giám định này trước khi mở phiên tòa nhưng đã không có ý kiến gì, không yêu cầu giám định lại. Hai lần giám định đều cho một kết quả tương tự là có gây nhầm lẫn. Vì vậy, tại tòa Asia Foods yêu cầu giám định lại thêm lần nữa là không cần thiết.
Cuối cùng TAND tỉnh Bình Dương đã tuyên mì Hảo Hạng của Asia Foods có hành vi xâm phạm về sở hữu trí tuệ đối với mì Hảo Hảo của Acecook. Do đó Asia Foods phải chấm dứt vi phạm, đăng báo xin lỗi công khai ba kỳ liên tiếp. Tòa cũng tuyên Asia Foods bồi thường 80 triệu đồng chi phí luật sư cho Acecook. Tuy nhiên, Acecook chưa cung cấp tài liệu chứng cứ làm rõ chi phí 100 triệu đồng ngăn chặn, khắc phục, xử lý, giám định... nên tòa xét thấy không đủ cơ sở để chấp nhận yêu cầu này.
Bác yêu cầu phản tố đòi một đồng danh dự Tại tòa, Asia Foods có yêu cầu phản tố đề nghị Acecook xin lỗi mình công khai vì đã có hành vi cạnh tranh không lành mạnh như gửi công văn cho khách hàng trên toàn hệ thống, gửi thông tin cho báo chí, gièm pha về mì Hảo Hạng. Asia Foods yêu cầu bồi thường một đồng danh dự! Tòa cho rằng khi Acecook phát hành văn bản gửi hệ thống phân phối, khách hàng thì chỉ nói đến bao bì mì gói gây nhầm lẫn chứ không đánh giá, không hạ thấp chất lượng sản phẩm Hảo Hạng nên Acecook không vi phạm về cạnh tranh không lành mạnh. Ngay cả khi Acecook tự cho rằng mì Hảo Hảo của mình là nhãn hiệu nổi tiếng thì đấy cũng không phải là nguyên nhân dẫn đến uy tín, danh dự của Asia Foods bị giảm sút. Tòa khẳng định việc các báo đưa thông tin Hảo Hảo kiện Hảo Hạng là quyền đưa thông tin của báo chí. Do đó, tòa bác yêu cầu phản tố của Asia Foods. |