Trái lại, luật sư bào chữa gỡ tội cho A đề nghị hội đồng xét xử không áp dụng hình phạt tử hình vì bị cáo A chưa thành niên…
Đề hỏi: “Ai đúng? Ai sai? Tại sao?”.Đáp án của BTC cho là luật sư đúng, đại diện viện kiểm sát sai. Lý do: Theo quy định của pháp luật, đối với bị cáo chỉ có năm sinh, không có ngày, tháng sinh thì tính thời điểm sinh vào ngày 31-12 của năm đó, tức là A được tính sinh ngày 31-12-1992. Vì vậy, A chưa đến 18 tuổi, chưa thành niên…
Lời gút của ban tổ chức
Bạn thân mến,
Qua cuộc cãi rồi, nhiều bạn “bắt” được mấy cái “hớ hênh” của BTC về mặt kỹ thuật, BTC xin thành thật nhận và cảm ơn. Nhưng cái trọng tâm cần bàn cãi cho ra lẽ là ở chỗ: trong lĩnh vực hình sự, đối với bị can, bị cáo nào trong giấy tờ chỉ ghi năm sinh mà không có ghi ngày, tháng sinh thì tính tuổi như thế nào?
Ở đây, bầu bạn nhất trí với nhau là phải vận dụng nguyên tắc nhân đạo “suy đoán có lợi cho bị can, bị cáo”. Nguyên tắc này được nhìn nhận ở cả hai mặt: về phía bị can, bị cáo thì tính sao cho bị can, bị cáo được nhỏ tuổi chừng nào càng có lợi cho bị can, bị cáo chừng ấy; vì theo quan điểm pháp luật, bị can, bị cáo càng nhỏ tuổi thì họ càng dễ được hưởng biện pháp ân giảm. Nên đối với bị can, bị cáo không có ngày, tháng sinh thì được tính thời điểm sinh vào ngày, tháng cuối năm. Còn nhìn về phía người bị hại, người bị hại càng lớn tuổi thì bị can, bị cáo càng dễ được cơ hội thoát khỏi bị tăng nặng. Nên nếu người bị hại chỉ có năm sinh (mà không có ngày, tháng sinh) thì tính người bị hại sinh vào ngày, tháng đầu năm.
Nguyên tắc đó được tóm tắt lại như sau: “Trường hợp xác định được năm sinh cụ thể nhưng không xác định ngày, tháng sinh của bị can, bị cáo thì lấy ngày 31 tháng 12 của năm đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo” (điểm 4 Điều 6 Thông tư liên tịch 01/2011). Trái lại, đối với người bị hại, thì “Trường hợp xác định được năm sinh cụ thể nhưng không xác định được ngày, tháng sinh thì lấy ngày mùng một tháng Giêng của năm đó” (điểm 4 Điều 12 Thông tư liên tịch 01/2011).
Thân chào.
BTC