Hậu Brexit sẽ là phiên bản EU 2.0

Việc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (trong bài này gọi tắt là Anh) dự kiến rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) gây hiệu ứng xấu với thị trường chứng khoán, tiền tệ những ngày qua. Nhưng khủng hoảng này là cần thiết để EU nhìn nhận lại tổ chức của họ. Đây không phải là “thảm họa” cho Anh hay “suy tàn” cho EU như nhiều người suy đoán. Có chăng khái niệm về EU sau Brexit sẽ được điều chỉnh đúng với bản chất hơn. Nói như Guy Verhofstadt, cựu Thủ tướng Bỉ, thì “đây là bước đà để EU cải cách”. Còn theo Cyrus Sanati, một nhà báo chuyên về lĩnh vực thương mại, thì Brexit là một khởi đầu của EU 2.0.

Chấm dứt chủ nghĩa ngoại lệ

“Cuộc chia tay” giữa Anh và EU với những người láng giềng như Đức, Pháp, Hà Lan,... vốn đã nằm trong dự báo nhiều năm qua khi nhìn lịch sử EU. Brexit khả năng sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho cả hai phía. Rất nhiều người đã phải thốt lên rằng “làm sao mà Anh có thể rời bỏ EU?”. Vâng! Câu trả lời là “điều ấy vô cùng dễ dàng”. Từ khi gia nhập EU, vì những đặc thù về văn hóa chính trị và lịch sử, Anh luôn là mắt xích yếu nhất, điển hình là không tham gia vào Hiệp ước Schengen, không sử dụng hệ thống tiền tệ chung. Bản chất Anh vào EU mang tính “hợp đồng” dài hạn hơn là theo tinh thần một hệ thống chung EU. Những quốc gia khác theo đuổi các vị trí điều hành EU với những vai trò lớn nhỏ khác nhau, trong khi Anh đã từ chối, thậm chí còn chống lại những nỗ lực lớn trong hội nhập chính trị và xã hội của EU.

Nói một cách tích cực thì Anh theo lối sống “quý tộc”, không bao giờ tự họ hay cho phép ai xếp họ vào vị trí mà họ không phải người dẫn đầu. Nói một cách nặng nề hơn, Anh vốn nổi tiếng với đường lối ngoại giao “perfidious Albion” (tạm dịch: tinh ranh) từ nhiều thế kỷ trước. Hiểu nôm na đó là quan điểm không đề cao sự “chung thủy”, theo đuổi lợi ích và quyền lực cá nhân. Việc tham gia vào EU không nằm ngoài triết lý đó. Anh rời khỏi EU vốn đã không nên dùng trong mệnh đề “có hay không” mà phải khẳng định là “khi nào”.

Chắc chắn rằng sau Brexit, những quốc gia muốn rời bỏ EU cũng sẽ có những quan sát kỹ lưỡng và Brexit phần nào tác động lên quyết định của họ. Thậm chí Đan Mạch hay Thụy Điển, những quốc gia không nằm trong hệ thống đồng euro, có thể sẽ là những “Deexit” hay “Sweexit” theo sau Brexit tại EU chứ không chọn cúi đầu trước Brussels. Tuy nhiên, phải để họ đi nếu họ muốn. Các thành viên của EU nhưng không nằm trong hệ thống của khu vực Euro (Eurozone) sẽ cần phải quyết định họ sẽ vào trong hay rời bỏ (như Anh lựa chọn).

Hậu Brexit không loại trừ EU phát triển mô hình 2.0 tinh gọn và ưu việt hơn. Trong ảnh: Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Tổng thống Pháp Francois Hollande. Ảnh: REUTERS

Phát triển lên phiên bản EU 2.0

Brexit hay những sự thoát li tương tự không thể giết chết EU trong ngắn hạn, trái lại sẽ thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế lẫn chính trị theo đúng mô hình EU - thống nhất toàn diện chứ không phải chặt chẽ phần lõi nhưng lỏng lẻo phần ngoài. Các nước thuộc Eurozone phải cùng ngồi lại giải quyết những vấn đề chung, phát triển một chính sách thống nhất để thoát khỏi mớ hỗn độn tài chính kéo dài suốt nhiều thập niên.

Trong cuộc “chia tay” lần này, theo Cyrus Sanati, EU có lẽ sẽ được hưởng nhiều lợi ích về trung và dài hạn so với những tổn thất mà họ đã chịu và được cảnh báo. Sự ra đi của Anh, với những ai quan sát EU trong nhiều năm qua, có lẽ là một khởi đầu mới cho quá trình chinh phục lý tưởng “siêu quốc gia” của EU thời gian tới chứ không phải là một cuộc hôn nhân đổ vỡ. Đức, Pháp - những trụ cột gồng gánh EU thời gian qua có cơ hội tạo ra một thể EU thống nhất thực hiện chính sách với Mỹ, Trung Quốc hay Nga mà không có bất kỳ sự phân tâm nào từ Anh. Một chính sách đối ngoại chung, một ngân hàng trung ương chung, một mạng lưới phòng thủ chung và một chính sách tài khóa chung giúp xây dựng phiên bản EU 2.0.

Việc thống nhất EU 2.0 và mang đến những cải cách mang tính quyết đoán, những tiến bộ thấy rõ sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Đó là động lực để EU cần nhanh chóng “thanh lý” những quốc gia vốn nằm trong EU nhưng theo đuổi chủ nghĩa ngoại lệ. Brexit với nhiều người sẽ là tiền lệ xấu nhưng nếu lạc quan thì đây là một thời điểm lịch sử của EU. Giờ là lúc EU cần tranh thủ sự chia tay của “thành viên quý tộc” Anh để đẩy mạnh tiến trình thống nhất khu vực. Và tất nhiên, điều đó cũng tốt cho chọn lựa của Anh.

Khủng hoảng sẽ được giải quyết

Việc Anh ra khỏi vòng tay chính trị của EU không phải là một sự kết thúc. Trái với nhiều quan điểm đã được đưa ra sau sự kiện Brexit, Anh sẽ không rời bỏ thị trường chung EU, mà đúng hơn nước này sẽ chỉ rời khỏi Brussels và sự quản lý của Brussels. Đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Trong ngắn hạn, với những gì đã diễn ra trong thời gian mấy ngày qua trên thị trường chứng khoán, tiền tệ lẫn ổn định xã hội, rõ ràng Brexit tạo ra tâm lý hoảng loạn và cảm giác bất ổn. “Tác động kép” này sẽ gây ra khó khăn nhất định cho các nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ nhanh chóng trở lại bình thường nhờ vào những dòng tiền đầu tư duy lý, thông minh, cùng với việc ngân hàng trung ương của các nước nhanh chóng trấn an dư luận rằng họ đã kiểm soát được mọi việc.

Nhiều nhà đầu tư tin rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ sớm vào cuộc để yểm trợ cho đồng euro sau khi Ngân hàng Anh tuyên bố sẵn sàng bơm vào lĩnh vực ngân hàng 250 triệu bảng Anh. Những người này còn tin rằng trong dài hạn các động thái của Anh và EU sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lại một lần nữa phải “nới lỏng định lượng” (Quantitative easing - QE), một động thái làm suy yếu đồng USD, vốn đã mạnh lên rất nhiều sau hàng loạt sự kiện tại Anh và EU.

Sau khi những cú sốc ban đầu tan biến, những chính trị gia của Anh và EU sẽ ngồi lại và bàn với nhau về quá trình Brexit diễn ra như thế nào nhằm đảm bảo sự ổn định và phát triển của cả hai trong dài hạn. Quá trình Anh rút khỏi EU có thể diễn ra trong nhiều năm, thời gian đủ dài để tạo ra những chuyển biến tích cực cho EU, bởi cuối cùng cũng có thể tiến thẳng về phía trước, theo đuổi con đường hội nhập chính trị thuận lợi hơn giữa các thành viên của EU. Anh vẫn là một phần của thị trường chung châu Âu nhưng cái thuận lợi là nước này độc lập trước quyết định của phần còn lại của châu Âu lục địa.

Hiệu ứng domino theo Brexit?

Chắc chắn một điều Anh rất muốn thâm nhập vào thị trường đơn nhất có lượng giao dịch lên đến 16.500 tỉ USD và EU cũng muốn sự hiện diện của Anh. Bằng cách này hay cách khác, mối hời béo bở này sẽ thúc đẩy các nhà ngoại giao hai bên làm việc tích cực hơn trên bàn đàm phán, duy trì Anh trong khu vực tự do thương mại. Anh có thể sẽ kết hợp với Na Uy, Iceland và Liechtenstein, thành viên Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) - một cơ chế cho phép các nước tiếp cận với thị trường EU miễn là họ đồng ý hoạt động theo luật của EU. Chọn lựa này tuy vẫn khiến Anh chịu ảnh hưởng của Brussels nhưng không nhiều và không liên đới trực tiếp đến các quyết định chính trị như khi Anh còn là thành viên EU.

Hoặc bằng cách thứ hai, có vẻ rườm rà hơn, chính là ký kết các điều ước song phương với các nước khác như Thụy Sĩ, một quốc gia được hưởng cơ chế tương tự EEA. Chọn lựa này đòi hỏi Anh phải phụ thuộc một phần nhất định vào luật EU nhưng người Anh cũng không vô lý đến mức chỉ muốn các giao dịch có lợi mà không đánh đổi. Những lợi ích to lớn và những ràng buộc nhất định về kinh tế trong lịch sử kéo dài đến tương lai sẽ khiến Anh và EU vẫn làm ăn với nhau.

Tuy nhiên, vì không nằm trong EU và ngoài Schengen, Anh có khả năng sẽ “mặc cả” với EU, nới lỏng có giới hạn quyền tự do đi lại của công dân EU để đổi lấy quyền thâm nhập vào thị trường EU rộng lớn và màu mỡ. Đây cũng là nguyên nhân khiến một số người tin rằng các nước khác cũng chọn hình thức “ngoại lệ” kiểu Anh: vừa không cúi đầu trước Brussels, vừa đảm bảo lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, cần nhớ rằng không phải nước nào trong khối EU cũng đủ năng lực để mặc cả được với EU như Anh.

_____________________________

Bài viết trích dịch thông tin từ Washington Post, Financial Times, Fortune, BBC, Politico

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm