Theo Washington Post, không chỉ nước Anh mà cả thế giới vừa trải qua một cơn chấn động khi đa số cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit, tức là ủng hộ rời khỏi EU với tỉ lệ 52% sau 43 năm gắn bó.
Kết quả này đã kéo theo những hệ quả đầu tiên đó là Thủ tướng Anh David Cameron, người đứng đầu phe vận động Anh ở lại EU, đã thông báo ý định từ chức. Tiếp đó, thị trường thế giới trải qua một phiên chao đảo. Đồng bảng Anh đã rớt xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 30 năm qua, từ hơn 1,5 USD/bảng Anh xuống còn hơn 1,37 USD/bảng Anh, mức giảm giữa hai phiên giao dịch là gần 7%, theo BBC. Các sàn chứng khoán từ châu Âu đến châu Á ngập tràn một màu đỏ, giá dầu lao dốc còn giá vàng tăng vọt.
Những biến động này đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường và tâm lý của người dân và giới đầu tư toàn thế giới, vậy mà ngay trong chính lòng nước Anh, những người vừa đi bỏ phiếu lại không có nhiều hiểu biết thực sự họ đang lựa chọn điều gì.
Mặc dù Anh đã ở trong EU hơn 40 năm nhưng dường như người dân nước này không mấy quan tâm đến liên minh mà họ đã gắn bó. Theo thống kê của Google, kể từ khi kết quả cuộc trưng cầu được công bố, năm câu hỏi hàng đầu mà người dân Anh tra cứu nhiều nhất bao gồm: Rời khỏi EU nghĩa là gì, EU là gì, những nước nào ở trong EU, điều gì sẽ xảy ra nếu Anh rời EU và có bao nhiêu nước ở trong EU.
Tốp 5 câu hỏi dân Anh tra cứu nhiều nhất trên Google sau trưng cầu dân ý. Nguồn: Washington Post
Trong đó, trong vòng tám giờ kể từ khi công bố kết quả, lượng tra cứu câu hỏi “Điều gì sẽ xảy ra nếu Anh rời EU?” đã tăng lên gấp ba lần. Điều này có nghĩa khi bỏ phiếu cho Brexit, người dân Anh chưa thực sự nghĩ đến những hệ quả mà nó mang lại.
Rất nhiều cử tri Anh cho biết họ đã hối hận khi bỏ phiếu ủng hộ Brexit sau khi tra cứu về EU trên Google.
“Tôi đã bỏ phiếu cho Brexit nhưng sáng nay khi tỉnh dậy, những gì xảy ra đã tác động rất mạnh tới tôi. Nếu có cơ hội làm lại, tôi sẽ bỏ phiếu để Anh ở lại EU” - một cử tri Anh cho biết.
Với câu hỏi “EU là gì?”, người dân Anh cần nhiều thời gian để tìm câu trả lời trong chính những thành tựu kinh tế, xã hội, anh ninh mà xứ sở sương mù đã nhận được trong suốt thời gian dài ở trong liên minh hơn là chỉ tra cứu trên Google, theo Washington Post.