Sau khi ủy ban bầu cử công bố kết quả trưng cầu ý dân với phần thắng nghiêng về phe Brexit (Anh rời EU), sáng 24-6 (giờ địa phương), Thủ tướng David Cameron đã tuyên bố từ chức.
Tránh bỏ phiếu bất tín nhiệm
Thủ tướng David Cameron là người kiên quyết đấu tranh giữ nước Anh ở lại EU.
Ông giải thích: “Tôi nghĩ rằng đất nước cần một nhà lãnh đạo mới”. Thủ tướng mới sẽ có trách nhiệm đàm phán với EU về thủ tục Anh rời EU.
Ông nêu rõ ông sẽ tiếp tục tại chức và giải quyết công việc trong thời kỳ quá độ cho đến tháng 10, khi đảng Bảo thủ của ông tổ chức đại hội và chỉ định người giữ chức chủ tịch đảng. Nhân vật này đương nhiên sẽ giữ chức thủ tướng.
Quyết định ra đi có vẻ như mới được Thủ tướng David Cameron quyết định.
Mới tuần trước, trò chuyện với tạp chí Times, ông vẫn còn nói ông sẽ tiếp tục giữ chức thủ tướng.
Ông giải thích trưng cầu ý dân không phải là bản án đối với cá nhân ông dù kết quả trưng cầu ý dân thế nào đi nữa.
AFP phân tích Thủ tướng David Cameron tuyên bố từ chức là hợp lẽ bởi nếu không, ông có thể sẽ bị Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Ngay sau khi có kết quả trưng cầu ý dân, nhiều ý kiến trong đảng Bảo thủ cũng đã kêu gọi Thủ tướng Cameron từ chức.
Nhân vật có thể kế nhiệm ông Cameron là ông Boris Johnson, nguyên đô trưởng London, người rất tích cực ủng hộ “Brexit”.
Ông Cameron bắt đầu sự nghiệp chính trị vào năm 1989 với tư cách cố vấn cho chính phủ của bà Margaret Thatcher.
Ông đứng đầu đảng Bảo thủ năm 2005 vào năm ông 38 tuổi. Đến năm 2010, ông trở thành thủ tướng trẻ tuổi nhất nước Anh kể từ năm 1812.
Buồn và vui sau trưng cầu ý dân ở Anh. Ảnh: NYP
Thủ tướng David Cameron và phu nhân buồn bã bước ra địa điểm họp báo để ông thông báo từ chức. Ảnh: REUTERS
Lo sợ phản ứng dây chuyền
Tại Anh, Chủ tịch Công đảng Jeremy Corbyn đã kêu gọi tôn trọng quyết định của nhân dân Anh và xúc tiến quá trình đàm phán với EU để ra khỏi EU.
Phát biểu trên BBC, ông giải thích nhiều tầng lớp cử tri tức giận với chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ Anh cùng với cách thức chính phủ đối xử với dân và gạt dân bên lề xã hội.
Ngay sau khi Anh công bố kết quả trưng cầu ý dân, tại Pháp, bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia, viết trên Twitter khen ngợi kết quả trưng cầu ý dân ở Anh là “chiến thắng của tự do”.
Bà yêu cầu tổ chức trưng cầu ý dân ở Pháp và các nước EU khác như ở Anh.
Tại Hà Lan (nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU), nghị sĩ đảng cực hữu Geert Wilders đề nghị Hà Lan tổ chức trưng cầu ý dân.
Ông tuyên bố: “Người Hà Lan có quyền trưng cầu ý dân như thế. Vì vậy đảng Vì tự do (PVV) đề nghị trưng cầu ý dân về quyết định Hà Lan ra khỏi EU (Nexit)”.
Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn chịu trách nhiệm với đất nước chúng tôi, đồng tiền chúng tôi, biên giới chúng tôi và chính sách nhập cư riêng của chúng tôi”.
Mới đây, PVV đã thông báo cho biết kết quả thăm dò dư luận do đài truyền hình quốc gia thực hiện cho thấy đa số người được hỏi đều muốn tổ chức trưng cầu ý dân để Hà Lan rời khỏi EU.
Trong khi đó tại Đức, Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier viết trên Twitter rằng kết quả trưng cầu ý dân ở Anh “đánh dấu một ngày buồn cho châu Âu và nước Anh”.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz đã thông báo muốn trao đổi với Thủ tướng Đức Angela Merkel nhằm tránh xảy ra phản ứng dây chuyền.
Tại Mỹ, Tổng thống Obama dự kiến sẽ gặp Thủ tướng David Cameron.
Giá cổ phiếu nhảy múa Kịch bản đáng sợ Anh rời khỏi EU đã xảy ra. Ngay sau khi có kết quả trưng cầu ý dân ở Anh, thị trường chứng khoán châu Âu lao dốc chẳng khác gì thị trường chứng khoán châu Á. Giá cổ phiếu của các ngân hàng Anh tuột dốc. Giá trị cổ phiếu của các đại gia như Royal Bank of Scotland (RBS), Barclays, Lloyds Banking Group mất gần 30%. Thị trường chứng khoán London mất giá hơn 7% chỉ vài phút sau khi mở cửa vào sáng 24-6. Tại Đức, cổ phiếu của các ngân hàng Deutsche Bank hay Commerzbank cũng rớt thê thảm. Cổ phiếu của Deutsche Bank giảm 16,45%, còn của Commerzbank giảm 16,88%. Tại châu Á, cổ phiếu của Toyota và Nissan (có chi nhánh ở Anh) giảm hơn 8%. Cổ phiếu của các ngân hàng HSBC hay Standard Chartered giảm lần lượt là hơn 10% và 11%. Tình hình cổ phiếu rớt giá cũng xảy ra khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Ngày 24-6, ngân hàng Anh quốc thông báo đã sẵn sàng hành động để bảo đảm ổn định tiền tệ và tài chính cho nước Anh. Ngân hàng cho biết đang theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình. Đồng bảng Anh đã liên tục tuột dốc. Sau khi các phòng phiếu đóng cửa, bảng Anh được quy đổi bằng 1,5 USD. Đến khi có kết quả trưng cầu ý dân, giá bảng Anh rớt còn bằng 1,45 USD, rồi 1,4 USD và tiếp tục xuống đến 1,3229 USD, tức giảm hơn 10% trong một ngày. Đây là điều chưa từng thấy từ năm 1985. __________________________________ 51,9% cử tri quyết định nước Anh rời khỏi EU (17,4 triệu phiếu) và 48,1% cử tri chọn ở lại EU (16,1 triệu phiếu). Sáng 24-6 (giờ địa phương), ủy ban bầu cử đã công bố kết quả trưng cầu ý dân như trên. Tại TP Sunderland, tỉ lệ rời đi-ở lại rất chênh lệch (61,34% và 38,66%). ___________________________________ Nếu tôi trở thành thủ tướng, sẽ có trưng cầu ý dân ở Hà Lan. Nghị sĩ đảng cực hữu GEERT WILDERS |