Hệ lụy từ việc biến khoai tây Trung Quốc thành nông sản Đà Lạt

(PLO)- Hành vi hô biến khoai tây Trung Quốc thành nông sản Đà Lạt không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên quan đến vụ việc “Hô biến khoai tây Trung Quốc (TQ) thành nông sản Đà Lạt” mà báo Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh thông qua loạt bài điều tra, các chuyên gia đều khẳng định đây là hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng xa hơn nữa là những rủi ro mà người dân, nền kinh tế của địa phương sẽ gặp phải.

Vi phạm pháp luật

Trao đổi với PV, ThS - luật sư (LS) Trần Cao Đại Kỳ Quân, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Đồng Nai, cho biết: Tại điểm đ khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020 quy định hàng giả bao gồm hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa;…; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa.

Như vậy, khoai tây Trung Quốc được trộn đất và dán nhãn thành khoai tây Đà Lạt là hàng giả vì đã có hành vi thay đổi nguồn gốc hàng hóa từ khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt.

Bên cạnh đó, Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, không chính xác về một trong các nội dung sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh bán, cung cấp…

P10-11-anhphu.jpg
Công an tỉnh Lâm Đồng phối hợp với công an huyện Đức Trọng và Đơn Dương kiểm tra các vựa nông sản. Ảnh: M.HẬU - T.SANG

“Hành vi này là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý theo Điều 17 Nghị định 98/2020 với mức phạt từ 300.000 đến 50 triệu đồng đối với cá nhân, tùy vào giá trị hàng hóa vi phạm” - LS Quân nói thêm.

Cũng theo LS Quân, hành vi hô biến khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt còn có dấu hiệu vi phạm khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo.

Cụ thể là quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về số lượng, chất lượng, giá…, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

Do đó, hành vi này sẽ bị xử lý theo khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021 với mức phạt 60-80 triệu đồng.

Nói thêm ở góc độ hình sự, LS Quân nhấn mạnh cá nhân hoặc pháp nhân đều có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi đủ yếu tố cấu thành tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm theo Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015.

Cần bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt

Còn theo ThS-LS Trần Thị Hải Anh, Đoàn LS tỉnh Đồng Nai, việc phù phép nông sản có nguồn gốc từ TQ thành nông sản Đà Lạt có dấu hiệu của hành vi gian lận thương mại. “Hành vi hô biến nguồn gốc khoai tây rồi bàn giao cho khách hàng là các hành vi vi phạm pháp luật nhằm mục đích lừa đảo người tiêu dùng hoặc các đối tác kinh doanh thông qua việc làm sai lệch thông tin về sản phẩm nông nghiệp” - LS Hải Anh nói.

Từ đây, LS Hải Anh đặt vấn đề về việc bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt là rất quan trọng nhằm duy trì uy tín, chất lượng và giá trị kinh tế của các sản phẩm này trên thị trường trong nước và quốc tế.

Cũng theo LS Hải Anh, hành vi gian lận thương mại nông sản ngoài việc vi phạm pháp luật còn gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Đối với người tiêu dùng, bên cạnh việc bị lừa dối thì mối lo ngại về thực phẩm có hại cho sức khỏe cũng gia tăng.

Điều này gây hại trực tiếp đến thị trường nông sản khi niềm tin của khách hàng đối với thương hiệu không còn. Giá trị thương hiệu và uy tín của nông sản Đà Lạt trên thị trường trong và ngoài nước sẽ giảm sút. Việc bị mất uy tín cũng dẫn đến giảm xuất khẩu và ảnh hưởng đến nền kinh tế của địa phương.

Đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm, khi bị phát hiện sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, kéo theo đó là những khó khăn trong việc hợp tác kinh doanh trong tương lai.

Nêu một số hành vi gian lận thương mại thường gặp là mạo danh thương hiệu, ghi nhãn mác sai sự thật, bán hàng giả…, LS Hải Anh đề xuất các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát gian lận thương mại nông sản.

Đơn cử, các cơ quan chức năng tại địa phương cần thực hiện kiểm tra định kỳ tại các cơ sở sản xuất, chế biến và phân phối nông sản. Cũng cần áp dụng các hệ thống quản lý thông tin và công nghệ theo dõi nguồn gốc sản phẩm để đảm bảo tính minh bạch…

“Điều chỉnh mức phạt để tạo răn đe mạnh mẽ hơn đối với các hành vi vi phạm. Tham gia các hiệp định quốc tế về tiêu chuẩn chất lượng nông sản để nâng cao uy tín và đảm bảo chất lượng cũng là một trong những giải pháp cần được cơ quan có thẩm quyền hướng tới” - LS Hải Anh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm