Do vậy, Chi cục Thú y TP.HCM vận dụng Nghị định 119/2013 do Chính phủ ban hành để xử lý các trường hợp nói trên”. Ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra Chi cục Thú y TP.HCM, cung cấp thông tin trên cho Pháp Luật TP.HCM vào sáng 1-6.
Theo ông Nguyên, điểm h khoản 3 Điều 3 Nghị định 119/2013 có nội dung “buộc cơ sở chăn nuôi tiếp tục nuôi dưỡng vật nuôi đã sử dụng chất cấm cho đến khi kiểm tra không còn tồn dư chất cấm trên vật nuôi mới được bán, giết mổ”.
“Do đó khi phát hiện lô heo bị tiêm thuốc an thần, Chi cục Thú y TP.HCM tạm giữ. Chỉ khi phân tích không còn tồn dư thuốc an thần trong heo thì chi cục cho phép chủ heo giết mổ và tiêu thụ” - ông Nguyên nói.
“Hiện Bộ NN&PTNT chỉ mới quy định tiêu hủy heo bị cho ăn chất tăng trọng, tạo nạc. Do Bộ chưa có quy định tiêu hủy heo bị tiêm thuốc an thần nên Chi cục Thú y TP.HCM không thể tiêu hủy” - ông Nguyên nhấn mạnh.
Hiện nay Bộ NN&PTNT vẫn chưa có quy định tiêu hủy đối với heo bị tiêm thuốc an thần. Ảnh: TL
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, cũng khẳng định hiện chưa có quy định xử lý cụ thể đối với heo bị tiêm thuốc an thần. Do vậy, cách xử lý nói trên của Chi cục Thú y TP.HCM là đúng.
“Hiện Bộ NN&PTNT đang rà soát và chỉnh sửa Nghị định 119/2013. Trong đó sẽ có quy định hình thức xử lý cụ thể đối với hành vi tiêm thuốc an thần cho heo trước khi giết mổ” - ông Tiến nói.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, đêm 13-5, Chi cục Thú y TP.HCM phối hợp Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP.HCM kiểm tra và phát hiện 624 con heo bị tiêm thuốc an thần acepromazine trước khi đưa vào Xí nghiệp chế biến thực phẩm Nam Phong (Bình Thạnh, TP.HCM) để giết mổ. Chi cục Thú y TP.HCM tạm giữ toàn bộ heo. Sau khi phân tích, do không còn phát hiện tồn dư thuốc an thần nên Chi cục cho phép giết mổ số heo nói trên.
Tuy nhiên, ông Nguyên cũng thừa nhận: “Việc đưa chất cấm vào heo trước khi mổ thịt là hành vi nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân; cho giết mổ heo trở lại sẽ không đủ sức răn đe thương lái”.
Theo ThS Nguyễn Thành Công, khoa Thực phẩm-Môi trường và Điều dưỡng Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, nếu heo bị tiêm quá liều thì thuốc ngủ/an thần chưa phân hủy hết và sẽ tồn dư ở gan, thận. Hiện không có nhiều tài liệu nói về khả năng phân hủy bởi nhiệt độ trong quá trình nấu chín. Do vậy, nếu ăn thịt heo còn tồn dư thuốc ngủ sẽ gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng như gây nghiện, trầm cảm, mệt mỏi, suy hô hấp. Đặc biệt với phụ nữ mang thai ba tháng đầu sẽ rất nguy hiểm. “Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định sau 7-10 ngày thì thịt heo trước đó được cho ăn thuốc an thần có thật sự an toàn” - ông Công nói.