Báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 2-3 có bài phát hiện lò heo bơm nước tại Long An. Qua đó, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết bơm nước heo là để tăng trọng lượng giả tạo, gây vấy nhiễm vi sinh, làm mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu heo bị bơm từ nguồn nước có chứa vi sinh vật gây bệnh (lở mồm long móng, cúm gia cầm, đường ruột…) thì sẽ nhiễm bệnh, có nguy cơ lây nhiễm sang những con vật khác và cả con người.
Nhận diện heo bơm nước
Theo ông Thảo, rất dễ nhận biết heo bị bơm nước khi vừa mới giết mổ vì một số vị trí trên thịt heo (hạch lâm ba, cơ hoành…) chứa nhiều nước. Với kinh nghiệm chuyên môn, cán bộ thú y bằng cảm quan dễ dàng phát hiện heo bị bơm nước sau khi giết mổ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, khi thịt heo đã đưa vào chợ, người bán pha lóc thì mặt thịt trở lại bình thường, khô ráo nên người tiêu dùng rất khó nhận biết. Chỉ có xét nghiệm mới có kết quả chính xác.
Nếu heo bị bơm với lượng nước lớn nên mặt thịt có màu xanh, rỉ dịch nhiều... dễ nhận biết rất rõ. Tuy nhiên, sau này thủ thuật này càng biến tướng, tinh vi. Heo bị bơm nhiều lần để nước thấm dần vào thịt nhằm khó phát hiện. Do vậy, muốn xử lý heo bơm nước phải thông qua xét nghiệm để có bằng chứng cụ thể.
“Để có kết quả xét nghiệm heo rỉ dịch do bơm nước phải mất thời gian khá lâu nên hiện Chi cục Thú y TP.HCM đang làm việc với Trường Đại học Nông lâm và Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương 2 nhằm tìm những chi tiết pháp lý để qua kiểm tra bằng cảm quan vẫn đủ cơ sở xử lý” - ông Thảo cho biết.
Cán bộ thú y TP.HCM kiểm tra heo bị rỉ dịch do bơm nước. Ảnh: TRẦN NGỌC
Theo bà Nguyễn Thị Thu Nga, Chánh Thanh tra Chi cục Thú y TP.HCM, khi phát hiện thịt heo có biểu hiện rỉ dịch do bơm nước thì cán bộ thú y giữ lại từ hai đến ba giờ cho khô ráo, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm để đánh giá tình trạng vệ sinh trong quá trình giết mổ, vận chuyển.
Bơm nước heo: Phạt 4 triệu đồng!
Ông Thảo cho biết hiện nay Nghị định số 40/2009/NĐ-CP (ngày 24-4-2009) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y quy định: “Phạt tiền từ 3 triệu đến 4 triệu đồng đối với hành vi cố tình đưa nước, hoặc chất khác vào động vật trước, sau khi giết mổ nhằm gian lận trong kinh doanh; đồng thời tịch thu sản phẩm động vật”.
Trước đây, tại chợ thịt heo An Lạc
(TP.HCM) xảy ra hiện tượng heo rỉ dịch do bơm nước ở mức độ nghiêm trọng. Do vậy, UBND TP.HCM ra Chỉ thị số 40 (ban hành ngày 3-12-1996) nêu rõ: “Nghiêm cấm hành động bơm nước vào gia súc, gia cầm trước và sau khi giết mổ. Ai vi phạm tùy trường hợp cụ thể sẽ bị xử phạt ở mức cao nhất, bị tịch thu hàng hóa. Các trường hợp vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm, có nguy cơ gây hại cho sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng sẽ bị đưa ra truy tố trước pháp luật”.
Liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM Huỳnh Lê Thái Hòa cho biết thịt heo buôn bán ngoài chợ thuộc thẩm quyền kiểm tra và xử lý của cơ quan thú y. Ngành y tế chịu trách nhiệm kiểm tra thịt heo được dùng chế biến món ăn trong các nhà hàng, quán ăn. Nếu nhà hàng, quán ăn sử dụng thịt heo nhưng không có giấy chứng nhận kiểm dịch thú y thì ngành y tế xử phạt. |
TRẦN NGỌC