Từ năm 2009, cơ quan chức năng TP.HCM phát hiện nhiều trường hợp heo có nguồn gốc từ các lò giết mổ ở tỉnh Long An rỉ dịch do bơm nước khi đưa vào TP.HCM tiêu thụ. Vì vậy, Chi cục Thú y TP.HCM đã làm việc với Chi cục Thú y tỉnh Long An để chấn chỉnh nhưng thực tế chuyện này không dứt.
Cận cảnh cho heo uống nước
Tôi gặp Minh (tên nhân vật đã thay đổi), một người biết khá rõ quy luật hoạt động của lò mổ Chiến Thắng trong quán cà phê và được Minh cho biết quy luật bơm nước heo nơi đây. Theo Minh, chuyện “cho heo uống nước” bắt đầu khoảng 16 giờ mỗi ngày và kéo dài đến gần 22 giờ. Không dưới ba nhóm liên tục ép heo uống nước. Lúc ấy, cán bộ thú y hoặc ở riết trong phòng, hoặc lang thang ở ngoài cho công nhân thoải mái… làm việc. Minh cảnh báo: “Lò mổ luôn bố trí người cảnh giới. Nếu lộ, tôi không bênh được ông đâu”.
Nắm ngọn ngành, tôi tìm cách tiếp cận. Tối 1-2, tôi cầm 20 tờ vé số và quyển sổ dò, đạp chiếc xe cà tàng, còn đồng nghiệp ngồi uống nước ở quán cà phê gần đấy... Đang nóng ruột thì Minh nhắn gọn lỏn: “Về đi, mai tính tiếp!”. Đêm 3-2, gần 20 giờ, điện thoại tôi rung lên, thế là tôi nhanh chóng đạp xe đến lò Chiến Thắng “bán vé số” và… ghi hình công nghệ cho heo uống ở đây.
Một thanh niên dùng cây móc nhọn hoắt cắm phập vào miệng heo kéo mạnh. Bị đau, con heo kêu la inh ỏi và mở miệng toang hoác. Chỉ chờ có vậy, một người khác nhanh tay thọc sâu ống tròn bằng nhôm hình chữ T vào miệng heo và một thanh niên khác nối ống nhựa vào ống nhôm, bơm nước vào bụng heo. Vừa bơm nước, người đàn ông ở trần vừa xoa xoa bụng heo ước tính lượng nước bơm vào. Con heo trước đó bụng xẹp lép, bị cho uống nước, căng tròn.
Lần lượt bầy heo cả chục con đều bị cho uống nước kiểu trên. Có con bị bơm quá nhiều nằm bẹp, thở hổn hển. Có con miệng chảy máu do móc nhọn, cũng có con “vắn số” ộc hết nước rồi… lăn quay.
Hoạt động bơm nước heo được ghi hình tại lò giết mổ Chiến Thắng vào đêm 3-2. Ảnh: TRẦN NGỌC (chụp qua camera)
Bơm nước đến khi heo đi không nổi
Theo Minh, tôi đã gặp may vì hôm đó tay cảnh giới vòng ngoài bị Tào Tháo rượt, phải ngồi lì ở nhà vệ sinh nên tôi mới có thể “đột kích” ghi hình chứ không thì “còn khuya”.
Theo Minh, hầu như heo nhập vào lò là bị bơm nước, rất ít con thoát nạn. Mỗi con bơm khoảng bốn lần, riêng heo nái do thịt khô nên bị bơm độ… tám lần, mỗi lần cách nhau khoảng 30 phút. Vì heo quá nhiều nên mỗi lần bơm nước, từng con heo được đánh dấu trên lưng để tránh nhầm lẫn. Nước bơm vô heo sẽ ngấm dần vào thớ thịt, tích nước ở các cơ khiến trọng lượng tăng lên từ 5 đến 7 kg. “Thậm chí có thương lái bảo công nhân bơm nước đến khi heo đi không nổi thì thôi. Những con heo bị bơm nước kiểu này tăng thêm 10 kg là ít. Sau đợt bơm nước cuối cùng độ nửa tiếng là heo bị giết thịt” - Minh rành rẽ.
Theo Minh, hằng ngày lò giết mổ Chiến Thắng nhập chuồng trên dưới 400 con heo, mỗi con từ 70 đến 100 kg, sau khi bơm nước thì lượng thịt bẩn đưa vào TP.HCM và tiêu thụ ở các tỉnh lân cận khoảng 30 tấn! Và thịt bẩn từ tỉnh Long An được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch ào ạt vào TP.HCM mỗi ngày.
Đưa phong bì dày Trong lúc tòa soạn đang xử lý loạt bài điều tra “Đột kích lò bơm nước bẩn vào heo” thì ngày 28-2, ông Thái Hoàng Tòng, chủ lò giết mổ Chiến Thắng gọi điện thoại và đề nghị được gặp phóng viên để trao đổi. Được sự đồng ý của tòa soạn, phóng viên nhận lời. Tại buổi gặp mặt, ông Tòng đã đưa ra một phong bì dày cùng những “đặc ân” hấp dẫn khác. Đổi lại, phóng viên cho qua vụ việc heo bơm nước tại lò giết mổ Chiến Thắng. Chúng tôi từ chối và ông Tòng biện bạch: “Nội quy của lò là nghiêm cấm bơm nước heo. Tuy nhiên, thương lái lén lút bảo công nhân bơm nước heo nên chủ lò không thể kiểm soát”. Ông Tòng còn là chủ cơ sở giết mổ Thuận Lợi (Bình Chánh, TP.HCM). Khi cán bộ Trạm Thú y huyện Bình Chánh kiểm tra 10 con heo nghi bị bơm nước vào sáng 6-8-2009 thì vấp phải sự phản ứng gay gắt của nhân viên lò mổ và những người không liên quan. Nhiều người manh động chửi bới, hăm he, không cho cán bộ thú y ra ngoài, đồng thời tẩu tán thịt đang tạm giữ. Sau đó cơ sở này bị cơ quan chức năng tạm đình chỉ hoạt động. Không thể phát hiện? “Trước năm 2007, thực trạng bơm nước heo đã xảy ra tại các lò giết mổ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thời gian sau này do Chi cục Thú y tỉnh Long An quản lý chặt và phạt nặng nên hầu như hiện tượng trên không còn nữa. Việc có heo rỉ dịch đưa vào thị trường TP.HCM là do trên đường vận chuyển tiểu thương cố tình bơm nước vào heo, sau đó đưa vào lò để giết mổ nên thú y phụ trách kiểm dịch tại lò không thể phát hiện được. Chi cục Thú y tỉnh đã yêu cầu các chủ lò giết mổ làm bản cam kết không được bơm nước vào gia súc dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu thực trạng bơm nước heo vẫn còn xảy ra tại lò giết mổ Chiến Thắng như phản ánh thì Chi cục Thú y tỉnh Long An sẽ kiên quyết xử lý.” Ông ĐINH VĂN THẾ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Long An Phải đóng cửa lò mổ “Nếu lò giết mổ Chiến Thắng thực sự có tổ chức bơm nước heo thì phải đóng cửa lò này nhằm răn đe các lò giết mổ khác. Báo Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh thực trạng vựa heo ở xã Mỹ Hạnh Bắc (Đức Hòa) tổ chức bơm nước heo. Thế nhưng Chi cục Thú y tỉnh Long An đã cho rằng việc bơm nước heo tại Long An không diễn ra thường xuyên. Nay báo tiếp tục nêu hiện tượng bơm nước heo ở lò Chiến Thắng nên Chi cục Thú y TP.HCM sẽ dựa vào chứng cứ này để làm việc kiên quyết với Chi cục Thú y tỉnh Long An. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cũng sẽ làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An để giải quyết dứt điểm tình trạng trên.” Ông PHAN XUÂN THẢO, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM |
TRẦN NGỌC - HUỲNH VIỆT