Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Thanh Tạo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang, cho biết: Kể từ thời điểm bế mạc kỳ họp này, ông Trịnh Xuân Thanh không còn là phó chủ tịch UBND tỉnh nhưng vẫn là tỉnh ủy viên, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021.
Ông Lữ Văn Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Vì ông Thanh vẫn còn là tỉnh ủy viên do vậy sắp tới Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ họp để phân công nhiệm vụ theo quy định đối với tỉnh ủy viên”.
Một vấn đề được dư luận quan tâm là ông Trịnh Xuân Thanh có nằm trong diện luân chuyển, điều động và vì sao ông Thanh lại được về Hậu Giang làm phó chủ tịch UBND tỉnh?
Ông Trịnh Xuân Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016
Trả lời báo chí, ông Trần Lưu Hải, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, cho biết ở cấp phó chủ tịch tỉnh, Ban Bí thư chỉ quản lý với hai TP lớn là Hà Nội, TP.HCM. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, cho hay: “Ở các tỉnh, thành nhỏ, Ban Bí thư quản lý phó bí thư tỉnh ủy. Còn phó chủ tịch mà không nằm trong thường vụ thì thường vụ cấp ủy ở đó quản lý”.
Nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tạ Xuân Đại cũng cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tổ chức ở trung ương trong việc đưa ông Trịnh Xuân Thanh từ một vụ trưởng ở Bộ Công Thương về làm phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. “Nếu anh không được quy hoạch, không được Bộ Chính trị đưa vào danh sách luân chuyển về địa phương, vậy mà vẫn về được thì đó là việc cần làm rõ” - ông Đại nói.
Gặp mặt báo chí chiều 16-6, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Hội đồng Bầu cử Quốc gia đang chờ kết luận chính thức sau khi có ý kiến chỉ đạo của tổng bí thư. Đây sẽ là cơ sở để xem xét tư cách đại biểu với ông Trịnh Xuân Thanh, người vừa trúng cử ĐBQH với số phiếu khá cao ở Hậu Giang.
“Nhưng chỉ việc đổi biển số ô tô của ông Thanh thì đã không xứng đáng là ĐBQH. Vì sao? Vì anh không trung thực” - ông Phúc đánh giá.