Đã có không biết bao nhiêu vụ tai nạn từ chó thả rông gây ra. Mới tuần qua, trường hợp cô giáo ở Phú Thọ khi đang chạy xe máy trên đường đến lớp đã không may va vào chó thả rông khiến cô bị chấn thương sọ não nghiêm trọng. Nhờ các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ phẫu thuật cấp cứu và điều trị tích cực, cô giáo đã qua cơn nguy kịch nhưng quá trình hồi phục còn rất dài. Học trò, đồng nghiệp và cộng đồng mạng động viên cô giáo sớm bình phục, đồng thời mong chính quyền có giải pháp trị nạn chó thả rông.
Trước đó, thông tin về chó cắn người ở Nha Trang, Lào Cai và nay là chó gây tai nạn cho người đi đường khiến tôi càng thêm lo về vấn đề quản lý hoạt động nuôi chó ở nhiều địa phương.
Thời gian qua, các địa phương tăng cường xử lý chó thả rông nơi công cộng nhưng tình trạng này vẫn còn. Ảnh: THANH TIỀN |
Pháp luật đã quy định rất rõ về trách nhiệm của người nuôi chó: Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định khi nuôi chó thì chủ vật nuôi phải đăng ký tại UBND cấp xã, phải tiêm vaccine phòng bệnh dại, phải rọ mõm, xích giữ chó tại những nơi công cộng…; nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020). Nếu chủ chó không rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng thì bị phạt tiền 1-2 triệu đồng.
Ngoài ra, tùy vào tính chất, hậu quả trong từng trường hợp cụ thể mà chủ chó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người tại Điều 295 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Khung hình phạt thấp nhất cho tội này là phạt tiền 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù 1-5 năm.
Chủ chó còn có thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân do sức khỏe, tinh thần của họ bị xâm phạm theo Điều 590, Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015.
Như vậy pháp luật đã điều chỉnh khá đầy đủ nghĩa vụ của người nuôi chó. Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động nuôi chó trên cả nước hiện nay ở nhiều nơi vẫn còn bị bỏ ngỏ. Vì nhiều lý do khác nhau, TP.HCM hiện nay có mỗi một đội bắt chó thả rông ở phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức. Mỗi lần các báo đăng bài về đội bắt chó này thì y như rằng có rất nhiều bình luận của bạn đọc mong mỏi phường, xã nơi họ ở cũng có đội bắt chó thả rông như vậy để người dân yên tâm.
Đội bắt chó thả rông của phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM đưa chó thả rông về quản lý. Ảnh: HUỲNH THƠ |
Sau vụ du khách nước ngoài bị chó cắn kinh hoàng phải nhập viện, lãnh đạo TP Nha Trang cũng cho biết sẽ tái lập đội bắt chó thả rông. Tuy nhiên, đó chưa phải là giải pháp triệt để.
Để tránh những tai nạn chó gây tai nạn cho người tham gia giao thông, giải pháp căn cơ nhất là những địa chỉ có thẩm quyền xử phạt chó thả rông (chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn) hãy xử phạt nghiêm những người nuôi chó không tuân thủ quy định pháp luật thì chủ chó mới biết sợ. Kèm theo đó là việc phát tờ rơi tuyên truyền ngắn gọn dễ hiểu nhất về quyền và nghĩa vụ của người nuôi chó. Chẳng hạn chủ chó phải tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó; không được thả rông chó ; khi dắt chó ra đường phải rọ mõm, xích giữ chó tại những nơi công cộng...Nếu không tuân thủ thì sẽ bị xử lý như thế nào...Đằng sau câu chuyện xử phạt không phải là số tiền chủ chó bỏ ra, mà mỗi lần rút tiền túi nộp phạt họ hiểu thêm nghĩa vụ đối với cộng đồng.
Bên cạnh đó, để không còn những câu chuyện thương tâm do chó cắn người thì các nhà làm luật cần khẩn trương ban hành quy định các loài chó cấm nuôi. Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp chó dữ cắn chết người xảy ra, như vụ bé trai tám tuổi tại Bình Phước bị chó pitbull nuôi tại nhà bà nội cắn tử vong vào năm 2022, hay trước đó là một thanh niên ở Long An bị chó pitbull cắn tử vong tại quán cà phê vào năm 2021.
Các chuyên gia huấn luyện chó từng lên tiếng rằng các dòng chó như pitbull, becgie, rottweilers …có tập tính chiến đấu, săn mồi, không dễ huấn luyện thuần phục hoàn toàn để sống chung với con người. Những loài này chỉ nên cho các tổ chức, đơn vị được cấp phép nuôi nhằm huấn luyện để phục vụ cho mục đích an ninh, quốc phòng, không nên để nuôi tự do trong dân.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nơi trên thế giới đã có quy định cấm nuôi các loài chó dữ. Ví dụ, pháp lệnh của TP North Little Rock (bang Arkansas), chương 3, điều 5.3.1, quy định cấm giống chó pitbull. Trong đó, giống chó pitbull sẽ bị cấm hoàn toàn và người dân không được sở hữu hay giữ nuôi ở trong thành phố này.
Không thể phủ nhận nhu cầu yêu thương động vật, nhu cầu được chăm sóc thú cưng của mỗi công dân. Vì sức khỏe cộng đồng, nhà chức trách hãy thực hiện ngay hai giải pháp nêu trên để không còn những tai nạn đau lòng do chó thả rông gây ra.