Tức là cứ trung bình hai năm thì phải làm một lần. Cứ thỉnh thoảng các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp lại triển khai, hướng dẫn cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức làm lại toàn bộ hồ sơ, lý lịch theo mẫu mới của Bộ Nội vụ, của ngành. Mỗi người phải viết tới hai bộ. Mỗi bộ hồ sơ có rất nhiều loại, nếu ai không để ý hoặc không ghi chép lại thì chắc chắn khó mà nhớ nổi cả. Tính về mặt thời gian ở mức độ trung bình thì hai bộ hồ sơ ấy ngồi ghi chép cũng mất trên sáu giờ ròng, chưa kể phải chuẩn bị các loại văn bằng. Chưa hết, phải mất cả buổi cho việc khám sức khỏe, chụp ảnh.
Đối tượng được cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm còn phải làm nhiều hơn nữa. Cứ khi cấp quản lý có “sáng kiến” thay đổi nọ kia về mẫu mã, các loại hồ sơ là người lao động, cán bộ, viên chức phải tất tả lo làm.
Không hiểu sao có những giấy tờ như giấy khai sinh, các quyết định bổ nhiệm, tăng lương, một số văn bằng khác chúng tôi đã nộp hoàn tất, đầy đủ từ bộ hồ sơ đầu tiên và các lần tiếp theo đó, thế mà trong lần làm lại hồ sơ gần đây vẫn phải nộp nữa. Chẳng lẽ không có cách để lưu giữ ư? Thời nay là thời nào mà vẫn còn lối làm ăn, cách quản lý nhiêu khê đến thế! Lâu nay chúng ta thường hay nói mạnh đến vấn đề cải cách hành chính, quản lý bằng công nghệ thông tin, sử dụng các tiện ích của các phần mềm này nọ, trong đó có giảm bớt hoặc loại bỏ những thủ tục, giấy tờ, hồ sơ không cần thiết. Nhưng thực tế thì cải cách hành chính, cụ thể chuyện làm hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa có chuyển biến gì, cứ cồng kềnh, phức tạp, lãng phí.
Đồng ý rằng trong quá trình công tác của cán bộ, công chức có thể có xáo trộn, thay đổi nên rất cần bổ sung cho phù hợp thực tế. Song không chấp nhận kiểu thay đổi, bắt làm liên tục dù người lao động vẫn tiếp tục làm việc tại cơ quan, không có sự di chuyển, đổi thay gì cả; hoặc chúng tôi không chấp nhận chuyện đã nộp rồi, người có trách nhiệm quản lý lại làm thất lạc rồi buộc chúng tôi nộp lại. Thiết nghĩ thời đại nay, công nghệ thông tin đã phát triển, cấp quản lý hồ sơ phải tận dụng sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Đó mới là hành động thiết thực góp phần cải cách hành chính.
ĐỖ TẤN NGỌC (Quảng Ngãi)