Có một sự thật ít được nhắc đến chính là việc những vụ kiện môi trường không chỉ kéo dài nhiều năm trời mà còn đầy những thử thách.
Vụ kiện được lên Hollywood
Năm 2000, ngay khi ra mắt, bộ phim Erin Brockovich của nữ minh tinh Julia Roberts đã gây chấn động nước Mỹ. Cơn địa chấn này không chỉ đến từ khả năng diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên mà hơn thế, xuất phát từ câu chuyện có thật đã truyền cảm hứng cho nhà làm phim.
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1993, khi bà mẹ đơn thân ba con túng quẫn Erin Brockovich, nữ hoàng sắc đẹp một thời với bề ngoài chẳng khác gì những cô gái tóc vàng hoe điển hình, được nhận vào vị trí trợ lý tại hãng luật đã giúp cô thắng trong một vụ kiện đòi bồi thường tai nạn giao thông. Nhiệm vụ chính được giao cho cô là thu thập tài liệu trong vụ mua bán nhà, đất của bà Roberta Walker. Bà Walker cho rằng trong vụ mua bán này có gì đó khuất tất khi công ty điện lực và khí đốt Pacific Gas & Electric (PG&E), người mua lại điền sản lại chấp nhận bỏ ra 250.000 USD trong khi giá trị thực tài sản của bà chỉ vào khoảng 25.000 USD.
Trong quá trình tìm kiếm, Erin phát hiện ra rằng cả gia đình Walker cũng như những gia đình khác trong thị trấn Hinkley, bang California đã bán nhà cho PG&E đều mắc phải những căn bệnh về máu, đường hô hấp, ung thư,… Nghi ngờ nguồn nước uống có độc, cô đã lấy mẫu nước mang đi xét nghiệm và phát hiện có độc tố trong nước. Men theo bằng chứng này, Erin đã tiến hành thuyết phục 400 hộ gia đình tại thị trấn Hinkley thuê công ty luật của cô kiện PG&E. Trong thời gian này, Erin nhiều lần bị đe dọa tính mạng, khủng bố tinh thần. Cuộc đấu tranh này kéo dài trong suốt bốn năm cho đến khi phiên tòa đầu tiên diễn ra.
Ban đầu, PG&E tỏ ra nhượng bộ khi đề nghị bồi thường 40 triệu USD cho 400 hộ dân Hinkley nhưng hãng luật nguyên đơn bác bỏ vì số tiền này chẳng thấm vào đâu so với những hậu quả mà người dân đang phải gánh chịu. Sự căng thẳng của phiên tòa cùng đề nghị bồi thường gây sốc lên đến 250 triệu USD đã thu hút sự chú ý của dư luận và cuối cùng có tổng cộng 648 hộ dân Hinkley kiện PG&E. Các chuyên gia luật sau khi xem xét tài liệu đều lắc đầu ngao ngán với “thành tích” vi phạm đạo đức kinh doanh của công ty này.
Theo đó, câu chuyện bắt đầu vào năm 1952 khi PG&E bắt đầu xây dựng trạm bơm khí đốt ở Hinkley có khả năng phân phối khí đốt đến từng hộ gia đình cho toàn bang. Kể từ thời điểm đó đến năm 1966, PG&E đã sử dụng hóa chất độc hại chromium XI trong các tháp làm lạnh của trạm bơm để giúp hệ thống đường ống không bị gỉ. Tuy nhiên, nước thải phân hủy hóa chất này lại được xả ra các bể chứa nước thải không được bê tông hóa. Sau đó mặc dù báo cáo chính thức vụ việc được PG&E ghi nhận vào năm 1987 nhưng nhiều tài liệu cho thấy công ty này đã phát hiện từ năm 1965. Sau khi báo cáo, ủy ban quản lý chất lượng nước vùng California đã yêu cầu công ty xử lý vấn đề ô nhiễm nguồn nước này nhưng một lần nữa, đến đầu thập niên 1990, kế hoạch xử lý nước thải trị giá 12,5 triệu USD mới được thực hiện.
Hơn thế, PG&E còn cho thấy sự gian xảo khi tuyên truyền chromium là một trong những khoáng chất cần thiết cho cơ thể con người và nguồn nước ở thị trấn an toàn tuyệt đối. Vấn đề nằm ở chỗ chỉ có chromium III mới thật sự là khoáng chất trong khi chromium XI mà công ty này sử dụng lại vốn được liệt vào hàng hóa chất có khả năng gây ung thư từ năm 1920. Cuối cùng vào năm 1996, PG&E đã phải bồi thường 335 triệu USD cho các thân chủ của Erin. Đây là khoản tiền bồi thường trực tiếp lớn nhất trong lịch sử lập pháp nước Mỹ lúc bấy giờ. Sau đó đến năm 2006, công ty này tiếp tục phải bồi thường 295 triệu USD cho 1.100 người. Theo New York Times, đến năm 2016, Hinkley giờ đây là một thị trấn ma do ảnh hưởng nặng nề từ ô nhiễm nguồn nước.
Erin Brockovich, người phụ nữ đã đòi công lý cho người dân thị trấn Hinkley. Ảnh: SHAYAN ASGHARNIA
Một trường hợp của bệnh Minamata. Ảnh: CHRON
Vụ kiện Erin Brockovich đấu với Tập đoàn PG&E đã được Hollywood tái dựng vào năm 2000. Ảnh: UNIVERSAL PICTURES
Cơn ác mộng mang tên Minamata
Bắt đầu từ năm 1908, Tập đoàn Chisso của Nhật đã đưa xí nghiệp hóa chất đầu tiên đi vào hoạt động tại Minamata. Cả trước và sau Thế chiến, nhà máy Minamata đã trở thành biểu tượng tiên tiến trên toàn nước Nhật. Sự mở rộng nhanh chóng của Chisso cũng kéo theo sự phát triển của Minamata. Có giai đoạn tập đoàn này cung cấp việc làm cho một phần tư số dân Minamata, cũng như đóng góp phân nửa trong tổng số thuế thu được từ Minamata. Vào năm 1932, nhà máy này tiến hành sản xuất acetaldehyde với sản lượng 210 tấn một năm. Đến năm 1960, tổng sản lượng đã đạt mức kỷ lục trên 45.000 tấn, đóng góp khoảng 25%-35% tổng sản lượng acetaldehyde của nước Nhật.
Để chế tạo hóa chất này cần sử dụng thủy ngân sulfat làm chất xúc tác. Đến tháng 8-1951, chất cộng xúc tác được đổi từ mangan dioxide sang sắt sulfide. Phản ứng phụ từ những chất xúc tác này tạo ra thủy ngân vô cơ, hay còn được gọi là methyl thủy ngân. Trong suốt 18 năm phản ứng này được sử dụng, hợp chất phụ được sinh ra đã được xả ra vịnh Minamata và dần hiện hình như một cơn ác mộng kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Nhật.
Ngày 21-4-1956, một bé gái năm tuổi được xét nghiệm tại bệnh viện Xí nghiệp Chisso cho thấy những dấu hiệu kỳ lạ: Khó khăn trong đi lại, nói năng và mắc chứng co giật. Hai ngày sau, chị của cô bé cũng nhập viện với những triệu chứng tương tự. Nhanh chóng tám trường hợp khác được ghi nhận. Tháng 5-1956, một cuộc điều tra nguyên nhân căn bệnh được thực hiện nhưng chỉ đi đến kết luận đây không phải là bệnh truyền nhiễm. Đến tháng 10-1956, 40 bệnh nhân được phát hiện và 14 bệnh nhân chết sau những triệu chứng mất cảm giác, mất khả năng vận động, co giật, điên loạn, hôn mê và chết. Các nghiên cứu xác định được rằng các bệnh nhân đều cùng một gia đình, là những người sống dọc theo vịnh Minamata, thường xuyên ăn cá đánh bắt từ vùng biển này. Tháng 11-1956, nguyên nhân ban đầu được xác định là do ngộ độc kim loại nặng.
Kết quả này ngay lập tức đưa nhà máy Chisso vào vòng nghi vấn. Tuy nhiên, quá trình phân tích kim loại nào thật sự là nguyên nhân gây ra tình trạng trên lại gặp khó khăn khi chất thải của công ty này chứa rất nhiều độc tố có khả năng làm suy thoái môi trường cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đến tháng 3-1958, nhà thần kinh học người Anh Douglas McAlpine cho rằng những triệu chứng trên người bệnh giống triệu chứng nhiễm độc thủy ngân và định hướng công tác nghiên cứu về sau. Các kết quả cho thấy khu vực Minamata nhiễm độc thủy ngân rất nặng. Theo Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), trong giai đoạn này, lượng thủy ngân trong cá tại vịnh Minamata gấp 500.000 lần khu vực khác. Nồng độ thủy ngân trên người bệnh nhân cao gấp 175 lần người bình thường trong khi nồng độ thủy ngân trên những cá nhân khác sinh sống trong khu vực cũng gấp 48 lần người bình thường.
Nhận biết vị thế bị nghi vấn của công ty, Chisso đã chuyển hướng đường ống xả thải từ vịnh Minamata sang sông Minamata và ngay lập tức tạo nên những vấn đề môi trường nghiêm trọng tại khu vực này. Bên cạnh đó, tập đoàn này còn bưng bít thông tin và cố tình tạo ra những bằng chứng nghiên cứu khác nhằm hủy hoại kết quả nghiên cứu nhắm đến nguyên nhân nhiễm độc thủy ngân. Quá trình tìm lại công lý cũng diễn ra đầy gian nan cho đến năm 1973 Chisso mới chịu bồi thường 155.000-175.000 USD cho các nạn nhân. Nhưng cũng chỉ có 2.665 người được nhận bồi thường trong khi hơn 16.000 hồ sơ khác bị loại. Năm 1996, thêm hơn 12.000 trường hợp được bồi thường. Tuy vậy, đến tận năm 2004, Tòa án Tối cao Nhật mới phán quyết chính phủ và chính quyền địa phương đã không có những biện pháp kịp thời xử lý vụ việc. Đến năm 2009, 40.000 người nữa được hưởng bồi thường theo quy định nhưng nhiều người trong số họ đã qua đời trước khi biết được kết quả này.
Có thể thấy rằng những vụ kiện vì môi trường là những vụ kiện diễn ra hết sức khó khăn khi chịu tác động của nhiều yếu tố, trong đó sự bưng bít thông tin của doanh nghiệp có thể gây nên những hệ quả nặng nề.
____________________________
Đón đọc: Hồ sơ những vụ kiện môi trường chấn động - Bài 2: Người dân kiện chính phủ, quốc gia kiện quốc gia