Đối phó “thủy triều đỏ”: Cần dự báo chính xác
Tại vùng bờ biển Florida (Mỹ), nơi thường xảy ra hiện tượng “thủy triều đỏ” gây nên bởi loài tảo biển Karenia brevis, Cơ quan Biển và khí tượng Quốc gia (NOAA) đã xây dựng một cơ chế theo dõi và dự báo những lần xảy ra hiện tượng này. Cơ quan này kết hợp sử dụng ảnh chụp vệ tinh và các mẫu nước chứa tảo Karenia brevis, thu thập bởi các đối tác địa phương, để xác định địa điểm, mức độ nghiêm trọng các đợt “thủy triều đỏ”. Trong đó, các ảnh chụp vệ tinh là chìa khóa quan trọng nhất giúp phát hiện mật độ gia tăng, chiều hướng lan rộng và tác động của tảo biển trước khi hiện tượng này đến bờ. Những báo cáo về hiện tượng này đều được NOAA đăng tải thành bản tin công khai, cung cấp cho các cơ quan chức năng tại vùng có khả năng chịu ảnh hưởng để kịp thời đưa ra kế hoạch cảnh báo, cô lập vùng ảnh hưởng và tiêu hủy lượng tảo độc hại.
Theo Viện Nghiên cứu và phát triển nghề cá Quốc gia (NFRDI) của Hàn Quốc, sau đợt bùng phát tảo độc C. polykrikoides vào năm 1995 gây ra nhiều thiệt hại, chính phủ Seoul đã hỗ trợ phát triển, thương mại hóa các hệ thống báo động và bảo vệ bè cá trước những đợt “thủy triều đỏ”. Chính phủ cũng sẽ có nghĩa vụ tiến hành các chính sách trợ giá hải sản và cho giãn các khoản vay ngân hàng đối với những ai chịu thiệt hại. Để đối phó với “thủy triều đỏ”, ngoài biện pháp di tản kịp thời các bè cá ra khỏi vùng nguy hiểm, chính phủ Hàn Quốc cũng sử dụng phương thức “rải thảm” đất sét đặc dụng trên diện tích biển bị bao phủ bởi tảo độc. Đất sét có tác dụng kết dính các tế bào tảo và kéo chúng xuống đáy biển. Hiệu quả của biện pháp “rải thảm” này đã được chứng minh cả trong phòng thí nghiệm lẫn trên thực địa vào tháng 9-1996, theo nghiên cứu của NFRDI.
Biện pháp “rải thảm” đất sét đặc dụng cũng đã được áp dụng tại Florida để đối phó với hiện tượng “thủy triều đỏ” xảy ra thường xuyên ở vùng biển này. Tuy nhiên, một nghiên cứu vào năm 2007 của Viện Chính sách hải dương (MPI) bang Florida cho biết còn một số phương thức khác để “trị” sự bùng phát của tảo độc. Chính quyền bang Florida cũng sử dụng biện pháp sục khí ozone để tiêu diệt tảo Karenia brevis. Loại khí này phân rã nhanh trong nước, có khả năng khử cả tảo độc lẫn các chất độc đã nhiễm vào vùng biển. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ được áp dụng cho quy mô nhỏ. Một lượng lớn khí ozone không chỉ tiêu diệt tảo độc mà còn có khả năng giết chết nhiều dạng sống khác trong lòng biển. Ngoài ra, còn có một số loại hóa chất khác có khả năng giải mật độ tảo độc trong nước biển, chẳng hạn như đồng sulfat. Tuy nhiên, các hóa chất này được sử dụng hạn chế do các tác động đến môi trường vẫn chưa được kiểm chứng.
Thủy triều đỏ là hiện tượng tự nhiên thường xảy ra tại nhiều nước trên thế giới. Ảnh: WALL STREET OTC IMAGE
Hồ chứa chất thải công nghiệp của nhà máy hóa chất Chisso. Ảnh: EUGENE SMITH/MAGNUM
(Nguồn: NOAA, MPI, Bộ Môi trường Nhật Bản)
Nhiễm độc chất thải công nghiệp: Xử lý phức tạp
Khác với các biện pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm vùng biển vì hiện tượng “thủy triều đỏ”, việc khắc phục những tác hại từ chất thải công nghiệp đòi hỏi nguồn lực rất lớn và thời gian dài để xử lý. Điển hình như tình trạng ô nhiễm chất thải công nghiệp tại TP cảng Karachi (Pakistan) đến nay vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Vào năm 2013, có gần 35 tấn cá chết hàng loạt tại cửa biển Karachi có liên quan đến chất thải công nghiệp xử lý không đúng chuẩn nhưng vẫn được xả thẳng ra biển. Theo Cơ quan giám sát lượng cá tại cảng Karachi (KFHA), cứ mỗi năm thì khu vực này lại xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt ít nhất hai lần, đặc biệt là sau các đợt mưa lớn, kéo dài. Tình trạng này đã tiếp diễn nhiều năm nhưng vẫn chưa thể được giải quyết dứt điểm.
Đây là vấn đề chung đối với những đất nước bắt đầu đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa mà đặc biệt là công nghiệp nặng. Nhật Bản đã từng phải trả giá đắt cho giai đoạn đẩy mạnh phát triển công nghiệp của đất nước. Bài học xương máu về căn bệnh nhiễm độc thủy ngân - “bệnh Minamata” là một ví dụ cụ thể. Theo báo cáo của Bộ Môi trường Nhật Bản, nước này đã mất gần 30 năm để khắc phục các hậu quả môi trường tại vịnh Minamata. Sau khi chính thức thừa nhận căn bệnh kinh hoàng này là do các chất thải công nghiệp của nhà máy Chisso có chứa metyl thủy ngân không qua xử lý, chính phủ Nhật Bản đã có các biện pháp mạnh mẽ để khắc phục môi trường sống của người dân. Nhà máy của Tập đoàn Chisso năm 1968 đã buộc phải ngưng hoạt động hoặc ngưng sản xuất các hóa chất có sử dụng metyl thủy ngân. Các hoạt động đánh bắt thủy sản tại vịnh Minamata cũng bị hạn chế tối đa, theo báo cáo của Bộ Môi trường Nhật Bản.
Không chỉ chấm dứt nguồn gây ô nhiễm, chính phủ Nhật Bản cũng nỗ lực cải tạo vùng nước và nguồn đất đã bị nhiễm độc tại vịnh Minamata. Từ năm 1977 đến năm 1990, chính quyền địa phương đã tiến hành nạo hút tổng cộng gần 1,5 triệu m3 trầm tích dưới đáy vịnh. Lượng trầm tích này được hút từ những khu vực được xét nghiệm có mức thủy ngân vượt quá ngưỡng an toàn. Chi phí cải tạo môi trường khu vực này được chi bởi Tập đoàn Chisso (gần 30 tỉ yen), chính phủ Nhật Bản (gần 9 tỉ yen) và chính quyền địa phương (gần 9 tỉ yen). Chính quyền địa phương cũng thiết lập một hàng rào lưới cá ngăn cách khu vực nhiễm độc nặng của vịnh Minamata với vùng biển xung quanh. Hàng rào an toàn này được giữ từ năm 1974 đến năm 1997 mới được tháo bỏ, khi chính quyền đã tuyên bố các sinh vật trong vùng biển không còn nhiễm độc.
Thủy triều đỏ độc hại tới đâu? Một trong những ví dụ về “thủy triều đỏ” được biết đến nhiều nhất xảy ra tại bờ biển Florida (Mỹ), gây ra bởi loại tảo Karenia brevis khiến màu biển “nhuộm đỏ”. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Ủy ban Bảo tồn cá và động vật hoang dã Florida, hiện tượng “nước nở hoa” này còn xuất hiện dưới các màu sắc khác (như nâu, xanh lá cây, vàng…), gây nên bởi các loại tảo biển khác. Nhiều đợt “thủy triều đỏ” được tạo ra bởi những loài tảo có khả năng sản sinh ra các chất độc hại, đủ khả năng gây chết một lượng lớn cá và các sinh vật biển, có khả năng đầu độc người ăn. Các chất độc này cũng khiến không khí trong vùng trở nên khó thở. Các bệnh lý liên quan đến hiện tượng này dù hiếm xảy ra nhưng vẫn có khả năng gây tổn hại đến sức khỏe con người, thậm chí dẫn đến tử vong. Đa phần bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa, hô hấp và mắt. Không phải loại tảo biển nào cũng độc hại. Theo NOAA, đa số hiện tượng “nước nở hoa” lại có ích cho hệ sinh thái do tảo là thức ăn của nhiều sinh vật biển. Dù vậy, nếu một lượng lớn tảo biển chết đi cùng lúc và phân hủy, nồng độ ôxy trong nước sẽ bị giảm mạnh và gây hại đến các sinh vật biển trong vùng. |