Gần 10 năm trôi qua nhưng hàng ngàn người dân Bờ Biển Ngà bị ảnh hưởng bởi chất thải từ chiếc tàu Probo Koala vẫn chưa nhận được một khoản bồi thường thỏa đáng.
Bị đưa ra tòa vì cố ý xả thải
Theo báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế, tập đoàn thương mại nhiên liệu Hà Lan Trafigura năm 2005 đã quyết định mua một loại xăng thô tên là coker naphtha để sử dụng như một hợp chất tinh luyện nhiên liệu rẻ. Tuy vậy, loại nguyên nhiên liệu này trước tiên cần được lọc. Quá trình này đã được thực hiện trên con tàu mang tên Probo Koala do tập đoàn này thuê. Sau nhiều nỗ lực dọn dẹp chất thải không thành công, tàu Probo Koala đã phải liên hệ với Công ty dịch vụ cảng Amsterdam (APS) của Hà Lan để tẩy rửa tàu. Phát hiện mức độ ô nhiễm cao hơn dự tính, APS yêu cầu nâng giá dịch vụ từ 30 USD/m3 lên hơn 1.100 USD/m3. Giao kèo thất bại, Trafigura liên hệ với Công ty Tommy tại Bờ Biển Ngà lúc bấy giờ mới thành lập được vài ngày để thực hiện dịch vụ vệ sinh giá rẻ
Theo thỏa thuận ban đầu, chất thải sẽ được rửa bỏ tại một bãi rác thuộc TP Abidjan, Bờ Biển Ngà. Tuy nhiên một lần nữa, sau đánh giá về mức độ ô nhiễm, bãi rác này đã quyết định không tiếp nhận chất thải. Kết quả là vào ngày 19-8-2006, lượng chất thải này được “vứt bừa” tại 18 địa điểm khác nhau trong TP Abidjan. Theo báo cáo, chỉ một ngày sau, hàng ngàn người dân Bờ Biển Ngà sinh sống tại các khu vực này đã đến trạm y tế với triệu chứng đau đầu, đau bụng, nôn mửa, dị ứng da, hô hấp và một số được cấp cứu khẩn.
Chính quyền Bờ Biển Ngà đã cố ngăn tàu Probo Koala “biến khỏi” cảng nhưng không thành công. Đến ngày 26-9-2006, các nhà hoạt động của tổ chức Hòa bình Xanh đã khóa chân được con tàu này tại Paldiski (Estonia) để điều tra. Tổ chức này cũng nộp báo cáo lên Hội đồng Công tố viên của Hà Lan, yêu cầu điều tra tội xả thải của Trafigura. Đến tháng 10-2006, 30.000 nguyên đơn đã nộp đơn kiện công ty này lên Tòa án Tối cao Anh và xứ Wales. Ngày 13-2- 2007, Trafigura và chính quyền Bờ Biển Ngà đạt được thỏa thuận. Công ty này sẽ chi 195 triệu USD trong nỗ lực làm sạch môi trường.
Các chất thải độc hại của tàu Probo Koala gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường TP Abidjan. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Tháng 4-2008, Trafigura tuyên bố đã hoàn thành quá trình tẩy độc môi trường. Đến tháng 9-2009, công ty này
cũng đạt được thỏa thuận với các nạn nhân với mức bồi thường vào khoảng 1.300 USD/người. Tuy vậy, những thư điện tử trao đổi vào năm 2005 cho thấy trước khi xả thải, các nhà lãnh đạo Trafigura hiểu rõ mức độ nguy hiểm của các chất thải và vẫn quyết tâm xả thải. Phát hiện này đã khiến tổ chức Hòa bình Xanh tiếp tục lên tiếng kêu gọi tòa án Hà Lan đưa Trafigura ra tòa vì đã cố tình xả thải độc hại ra môi trường cũng như xuất khẩu trái phép những chất thải này. Vào ngày 23-12-2011, tòa phúc thẩm Hà Lan sau đó đã phạt công ty này 1,1 triệu USD vì hai tội danh trên.
Tưởng chừng sau ngần ấy thời gian, mọi vấn đề đã được giải quyết. Song vẫn còn hơn 6.000 nạn nhân của vụ xả thải vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. Nguyên nhân là do số tiền bồi thường được ủy quyền cho Nhóm hợp tác quốc gia vì nạn nhân của vụ xả thải tại Bờ Biển Ngà (CNVDT-CI) vào tháng 10-2009 bị Claude Gohourou, người tự nhận đại diện nhóm này, đóng băng tài khoản. Luật sư đại diện nạn nhân đã kiện lên tòa án Abidjan về sự việc này. Đến giữa tháng 2-2010, các bên đã đạt được thỏa thuận về quá trình bồi thường. Nhưng đến nay vẫn còn một số người chưa được nhận tiền bồi thường. Đến tháng 6-2016, Tòa án Tối cao Bờ Biển Ngà yêu cầu Công ty luật Leigh Day, đại diện pháp lý của các nạn nhân phải bồi hoàn tiền cho các nạn nhân còn lại...
Buộc trách nhiệm phải hết sức chặt chẽ
Trong nhiều trường hợp, vì những sai phạm, các doanh nghiệp sẽ bị các cơ quan hữu trách “sờ gáy”. Tuy nhiên, vụ kiện Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) của hàng loạt công ty cùng một số bang là một minh chứng cho thấy cuộc chiến giữa các cơ quan kiểm định và doanh nghiệp căng thẳng đến mức nào.
Vào năm 2007, trong một vụ kiện giữa các bang với EPA, Tòa án Tối cao đã trao cho EPA quyền quy định mức khí thải nhà kính cho phép. Cơ quan này đã xác định được các chất khí thải này gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Cơ quan này cũng đã đưa ra bằng chứng cho thấy “tăng lượng khí nhà kính trong không khí” có thể tạo nên một sự nguy hiểm “cho thế hệ hiện tại và tương lai”. Từ đó, năm 2010, EPA đưa ra một bảng danh sách mới yêu cầu kiểm soát lượng CO2 từ chiếu sáng, các phương tiện vận tải hạng nặng, máy phát điện cũng như các nguồn công nghiệp và tiện ích. Khi danh sách này được công bố, một liên minh gồm hơn 100 doanh nghiệp năng lượng đã thách thức tính pháp lý của các quy định này. Liên minh này cho rằng quy trình khoa học được EPA sử dụng để đưa ra quy chuẩn là thiếu chính xác.
Probo Koala đã xả hàng trăm tấn thải gây ảnh hưởng sức khỏe người dân Bờ Biển Ngà. Ảnh: GREENPEACE
Chánh Thẩm phán Antonin Scalia - một trong những thẩm phán của vụ kiện giữa liên minh các doanh nghiệp năng lượng và EPA. Ảnh: AFP
Năm 2012, Hội đồng Thẩm phán thuộc tòa án Washington, D.C. đã bác bỏ đơn của liên minh này. Nhưng đến năm 2013, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ lại quyết định chấp nhận đơn kiện. Năm 2014, Tòa Tối cao đưa ra phán quyết vẫn giữ cho EPA quyền quy định hệ thống khí thải nhà kính, nhằm đảm bảo môi trường trong các dự án năng lượng các nguồn có khả năng gây ô nhiễm lớn. Tuy nhiên, tòa cũng kết luận EPA đã lạm quyền khi áp dụng cả những quy định này cho các cơ sở nhỏ, như trung tâm mua sắm, chung cư, trường học, cũng như các cửa hàng kinh doanh độc lập. Thẩm phán của vụ kiện Antonin Scalia tuyên bố: “Một cơ quan không có quyền “thiết kế” luật pháp với các mục tiêu chính sách quan liêu bằng cách diễn dịch lại các điều khoản luật định rõ ràng”.
Phán quyết này đã tạo sự vui mừng cho các nhóm nguyên đơn. Liên đoàn quốc gia của các doanh nghiệp độc lập cho biết: “Nếu quy định này được cho phép tồn tại, các chủ doanh nghiệp nhỏ như chủ trang trại, nông dân, các chủ nhà hàng,… sẽ phải nhìn thấy nhiều thủ tục, giám sát và xử phạt hơn”. Nhiều nhà quan sát lo ngại rằng phán quyết này sẽ ảnh hưởng đến chính sách môi trường của chính quyền ông Obama. Tuy nhiên, David Doniger, Giám đốc của chương trình thay đổi môi trường và làm sạch không khí với Hội đồng Bảo vệ các nguồn tài nguyên, cho rằng vụ kiện này sẽ không ảnh hưởng đến dự luật kiểm soát khí nhà kính của các dự án than đá: “EPA vừa đề xuất tiêu chuẩn nhằm giảm khí thải carbon từ các dự án năng lượng và công việc nghiêm khắc này sẽ bảo vệ nước Mỹ trước những hệ quả tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu”.