Khoản 3 Điều 99 quy định: “Học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quyết định”.
Đây là quy định tưởng chừng đơn giản nhưng đằng sau là một sự thay đổi tư duy rất lớn về đầu tư cho giáo dục, vì những lý do chính sau:
Thứ nhất, Điều 61 Hiến pháp 2013 quy định: “Giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí” nên học sinh trường công/tư đều được hưởng chế độ như nhau. Đây là yếu tố bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục.
Thứ hai, thực tiễn dân số Việt Nam thời gian qua tăng nhiều, nhiều nơi không đủ trường/lớp cho học sinh tiểu học; buộc lòng cha mẹ phải cho con học trường tư.
Thứ ba, Điều 96 Luật Giáo dục quy định: “Bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà nước”. Đây là số tiền rất lớn nên nếu không có trường tư thục gánh giúp số học sinh trên, Nhà nước cũng chi ngân sách để đảm bảo chỗ học tập cho học sinh tiểu học. Quy định trên giúp ngân sách nhà nuớc phân phối phù hợp hơn.
Thứ tư, khi phụ huynh trường tư cũng được hỗ trợ, nhất là phụ huynh nghèo, không có hộ khẩu cho con học trường công, họ sẽ đỡ được gánh nặng tài chính rất lớn.
Thứ năm, chi phí được hưởng của học sinh tư thục cần dựa trên nguyên tắc:
⁃ Số học sinh được chi = Tổng số học sinh tiểu học trong năm - Tổng số học sinh trường công lập theo định mức chuẩn về sĩ số học sinh/lớp.
⁃ Khoảng cách hợp lý từ nơi ở học sinh đến trường học. Nên xác định bán kính 5-10 km.
⁃ Số tiền Nhà nước chi trên mỗi học sinh tư thục là số tiền tương ứng với mức chi cho học sinh công lập (đáng ra phải chi cho những học sinh không có chỗ học);
⁃ Tiền chi cho phụ huynh;
⁃ Nếu cơ sở giáo dục công lập hoàn toàn đáp ứng được chỗ học cho học sinh thì không chi; phụ huynh lựa chọn trường tư tự gánh chịu.
Hy vọng, các cơ quan có thẩm quyền triển khai nhanh quy định này, nhất là tại các đô thị, khu công nghiệp thiếu trường công. Sau này, nếu Nhà nước phổ cập giáo dục cơ sở và ngân sách tương đối thong thả thì cũng cần mở rộng sang bậc THCS để hướng tới yếu tố cân bằng, bình đẳng trong giáo dục.
(PLO)- Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt theo số tháng thực tế học tập tại trường, nhưng không quá 10 tháng/năm học.