Tuy nhiên, đa phần người dân đều ủng hộ tính nghiêm minh của việc thực thi pháp luật trong sự vụ này.
Ngay sau khi báo chí lên tiếng về chuyện gia đình ông Thạch xây biệt thự lụi, chính quyền TP Đà Nẵng đã vào cuộc quyết liệt và kết quả là chính quyền đã buộc gia đình ông Thạch phải tháo dỡ căn biệt thự trái phép. Trước đó và mãi cho đến trước khi căn biệt thự được chính thức tháo dỡ, chắc hẳn đã không ít người hồ nghi rằng “mọi chuyện sẽ đâu vào đó”, rằng gia đình ông Thạch cùng lắm cũng chỉ bị xử phạt rồi căn biệt thự sẽ tồn tại bằng đủ những lý do…
Bởi lẽ phá một căn biệt thự, lại là của gia đình một cán bộ cao cấp, không phải dễ dàng bởi nhiều người suy diễn sẽ “bứt dây động rừng”, sẽ va chạm với nhiều mối quan hệ khác. Tuy nhiên, chính quyền TP Đà Nẵng đã vượt qua sự cả nể và cho thấy đã không có “vùng cấm” nào trong việc xử lý sai phạm. Đúng như vị tân Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ khi mới nhậm chức đã thẳng thắn trả lời chúng tôi: “Cái sợ nhất trong sự vụ này là làm không đúng luật pháp. Cái đó là cái đụng chạm lớn nhất, còn làm đúng luật pháp thì chẳng phải sợ đụng chạm”. Hay như một vị lãnh đạo quận Liên Chiểu trước khi ra quyết định tháo dỡ cũng đã tâm tư: “Nếu không buộc tháo dỡ thì sau này nói dân ai chịu nghe. Vác búa đi đập nhà dân, họ chỉ lên ông Thạch thì cán bộ quận sao dám đập nhà của họ”.
Về phần mình, bản thân tướng Thạch và gia đình ông Thạch cũng đã nhận thấy cái sai, tự nguyện chấp hành việc nộp phạt và tự tháo dỡ căn biệt thự hàng tỉ đồng.
Pháp bất vị thân là một trong những nguyên lý cơ bản để xây dựng nhà nước pháp quyền và việc xử lý của TP Đà Nẵng với căn biệt thự của gia đình ông Thạch chứng tỏ TP Đà Nẵng đã xử lý sai phạm “không trừ một ai”. Điều này tiếp tục mang lại niềm tin cho người dân. Bởi suy cho cùng, xử lý nghiêm minh với sai phạm cũng sẽ là nền móng vững chắc cho việc xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh…
Hoan hô Đà Nẵng!