Hoãn phiên tòa vụ huỷ hoại rừng tại Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận

(PLO)- Các bị cáo nguyên lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận cho rằng giám định viên đã “biến củi thành gỗ” rồi “ước tính” để quy kết cho họ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 10-4, TAND tỉnh Bình Thuận đã có quyết định tạm hoãn phiên tòa phúc thẩm vụ tổng giám đốc và phó tổng giám đốc Công ty MTV TNHH Lâm nghiệp Bình Thuận (Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận) bị truy tố về tội hủy hoại rừng.

Bình Thuận
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm ngày 10-4. Ảnh ĐP.

Được biết, trước khi mở phiên tòa phúc thẩm vào ngày 10-4, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận đã làm đơn xin hoãn phiên tòa. Ngoài ra một số luật sư khác cùng nhiều người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong đó cả giám định viên cũng vắng mặt.

Do đó, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa, đồng thời ấn định lại thời gian xét xử vào tháng 5-2024 tới đây.

Theo cáo trạng, tháng 10-2011, Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận, trực thuộc UBND tỉnh Bình Thuận ký hợp đồng với Công ty Phước Sang hợp tác sản xuất kinh doanh đầu tư trồng rừng, trồng cây công nghiệp với diện tích 118 ha (trong đó khoanh nuôi bảo vệ rừng là 44 ha, trồng rừng là 74 ha) tại huyện Hàm Thuận Nam.

Sau đó, hai ông Nguyễn Tiến Dũng và Nguyễn Hoàng Cẩn (Phó Tổng giám đốc) đã chỉ đạo giao cho Công ty Phước Sang 74 ha vào năm 2011 và 22,6 ha (trong diện tích 44 ha rừng khoanh nuôi) vào năm 2013 để san ủi trồng cao su.

Kết quả trưng cầu giám định thiệt hại về tài nguyên rừng đối với diện tích đất rừng mà Công ty lâm nghiệp Bình Thuận bàn giao cho Công ty TNHH Phước Sang là hơn 60 ha, thiệt hại về trữ lượng gỗ hơn 2.400 m3. Tổng giá trị thiệt hại theo giám định là hơn 5,7 tỉ đồng trong đó thiệt hại về lâm sản 1,444 tỉ và thiệt hại về môi trường 4,331 tỉ đồng.

Ngày 17-4-2023, sau khi mở phiên xử sơ thẩm, TAND huyện Hàm Thuận Nam đã trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Đến ngày 7-6-2023, VKS có văn bản chuyển lại hồ sơ xét xử, giữ nguyên quan điểm truy tố.

Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra từ ngày 26 đến 29-9-2023 do TAND huyện Hàm Thuận Nam xét xử, các bị cáo bị truy tố về tội hủy hoại rừng đều kêu oan và đề nghị trưng cầu giám định lại thiệt hại của vụ án.

Một số luật sư của các bị cáo cũng có kiến nghị cho rằng phương pháp và căn cứ mà giám định viên đã ban hành kết luận giám định là không đúng quy định của pháp luật như không có biên bản giám định ngoại nghiệp; không có mẫu vật giám định, mẫu vật so sánh tại hiện trường; sử dụng tài liệu không có giá trị pháp lý; tính giá trị thiệt hại không chính xác.

Thậm chí các bị cáo còn cho rằng giám định viên đã giám định theo kiểu “ước tính”, “biến củi thành gỗ” để quy kết và đề nghị giám định lại bằng một hội đồng giám định tập thể.

binh-thuan1 (2).jpg
Cơ quan điều tra khám xét nơi làm việc của phó tổng giám đốc Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận. Ảnh: PĐ

Tuy nhiên theo đại diện VKS, quá trình tố tụng vụ án, không có căn cứ xác định giám định viên trong vụ án làm việc không khách quan, không chính xác nên không có căn cứ để trưng cầu giám định tập thể.

Đồng quan điểm, HĐXX đã bác toàn bộ đề nghị, yêu cầu của các bị cáo và luật sư và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Tiến Dũng và bị cáo Nguyễn Hoàng Cẩn cùng mức án 3 năm tù về tội hủy hoại rừng.

Cùng tội danh, bị cáo Nguyễn Văn Hiền (Công ty TNHH Phước Sang) bị tuyên phạt 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Bị cáo Phạm Văn Lang, kiểm lâm Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Thuận Nam cũng bị tuyên phạt 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm