Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 4-7, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu đề nghị chính phủ sớm ban hành 2 nghị định liên quan đến việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện (sửa đổi Nghị định 24, 37 về sáp nhập sở ngành, phòng ban) để tỉnh thực hiện tốt và đồng bộ sắp xếp bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Trung ương.
Chủ tịch UBND Hậu Giang Lê Tiến Châu.
40/63 tỉnh, thành có đề án sáp nhập huyện, xã
"Chúng tôi đã chủ động xây dựng một số đề án, chỉ chờ cơ sở pháp lý để triển khai. Nếu để kéo dài việc này sẽ ảnh hưởng đến tâm tư của cán bộ, công chức. Hơn nữa sắp tới còn thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị để bắt tay vào chuẩn bị Đại hội đảng các cấp”- ông Châu nói và mong Chính phủ có ý kiến sớm để địa phương bắt tay vào làm ngay.
Liên quan đến việc sáp nhập xã, huyện, Bộ trưởng Nội vụ cho biết đến nay mới nhận đề án của 40/63 tỉnh. Ông đề nghị các tỉnh có sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện không đủ tiêu chí theo Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 32 của Chính phủ sớm lập phương án. Trên cơ sở đó, Bộ tổng hợp cho ý kiến, hoàn thành đề án để Chính phủ trình UB Thường vụ QH thông qua và hoàn thành trong năm.
Bộ trưởng Nội Vụ Lê Vĩnh Tân.
Liên quan đến biên chế, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thông tin thêm rằng trong cuộc họp Chính phủ tháng 6, ông đề nghị Thủ tướng có kết luận sớm việc giao chỉ tiêu về tinh giản biên chế năm 2020 đối với các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập để Bộ Nội vụ sớm trình Chính phủ phê duyệt giao biên chế năm 2020 vào tháng 8 này.
Đồng thời, ông cũng đề nghị các địa phương, bộ ngành có báo cáo về tinh giản biên chế trong 6 tháng đầu năm gửi về bộ thẩm định chuyển Bộ Tài chính cấp kinh phí tinh giản biên chế.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nội vụ cũng đề nghị lãnh đạo của các bộ ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan tham mưu thực hiện theo tinh thần của Thủ tướng tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác cán bộ để chuẩn bị đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội 13 của Đảng.
Quá nhiều các cuộc thanh tra, kiểm tra
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Hậu Giang cũng nêu thực tế việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán giúp địa phương nhận diện những vấn đề đã làm chưa chuẩn để có cơ hội khắc phục, sửa sai. Tuy nhiên thời gian qua việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán quá nhiều đoàn, nội dung trùng lắp nhau khiến địa phương mất rất nhiều công sức tập trung phục vụ các đoàn.
"Riêng năm 2018 Hậu Giang tiếp 11 đoàn, chúng tôi thấy quá nhiều. Đề nghị các bộ ngành trong khi lập kế hoạch tranh tra, kiểm tra, kiểm toán có sự thống nhất tránh trùng lặp gây khó khăn cho địa phương"- Chủ tịch Hậu Giang nói.
Đáp lại, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng việc chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra không phải vấn đề mới. Theo ông, Thủ tướng đã biết thực tế này và có Chỉ thị 20 để tránh chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra trong DN nói riêng và trong công tác thanh tra, kiểm tra nói chung.
Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái.
“Thanh tra Chính phủ (TTCP) rất quan tâm đến vấn đề này. Trong kế hoạch thanh tra 2019, chúng tôi đã giảm 30% các cuộc thanh tra thường xuyên”- ông Khái cho hay.
Tổng thanh tra Chính phủ sau đó cũng giải thích những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Đáng chú ý, theo ông, quy định của Luật thì chúng ta có nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. “Trong thiết kế hiện nay thực hiện theo Luật nhưng đối tượng thanh tra, kiểm tra trùng nhau”- ông nói.
Cạnh đó, các cơ quan quyết định kế hoạch thanh tra, kiểm tra không tập trung. “Theo nguyên tắc, ở đâu có quyền lực, ở đó có kiểm soát quyền lực. Ở đâu có lãnh đạo chỉ đạo, điều hành thì có cơ quan thanh tra, giám sát giúp cho việc chỉ đạo, điều hành. Tuy nhiên tổ chức hiện nay, theo luật và theo quy định của Đảng, có chồng chéo”- Tổng thanh tra nói.
“Về lâu dài phải tính toán tổng thể, anh nào kiểm tra báo cáo tài chính, anh nào kiểm tra ngân sách, anh nào kiểm tra tính tuân thủ thi hành pháp luật… để tránh chồng chéo”- ông Khái đề xuất.
Cạnh đó, trong tổ chức thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm. Đối với những vụ việc phức tạp, có dấu hiệu vi phạm phải tiến thành thanh tra bình thường nhưng thanh tra thường xuyên trong hệ thống phải tính toán để đạt được mục tiêu đặt ra, tránh dàn trải.
“Khi đã xác định cuộc thanh tra, kiểm tra thì kế hoạch rất quan trọng, cần xác định rõ phạm vi thế nào, đối tượng gồm mấy đơn vị?... Nếu không có kiểm tra, kiểm soát, không có chỉ đạo thì mở rộng rất tràn lan không kiểm soát được”- ông Khái nói và cho biết tới đây, TTCP sẽ có tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 20 trên cơ sở đó có tham mưu cho Thủ tướng.
Liên quan Khu đô thị Thủ Thiêm, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thông tin, trong hôm nay (4-7), Ban tiếp công dân Trung ương đã phối hợp cùng Chủ tịch UBND TP.HCM vận động 28 hộ dân khiếu nại đồng thời cam kết trong tháng 7 này sẽ có xử lý, giải quyết dứt điểm. Giải thích rõ hơn, Tổng thanh tra Chính phủ cho biết liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm có hai kết luận. Trong đó, kết luận đầu tiên ngày 14-3 về ranh quy hoạch. Theo quy hoạch của TP đối chiếu với quyết định của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ xác định diện tích ngoài ranh quy hoạch là 4,3 ha. Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng công bố, hiện đã có ranh quy hoạch và bản đồ. Hiện người dân khiếu nại, theo quy định của pháp luật, UBND TP.HCM phải có quyết định giải quyết khiếu nại lần 1, lần 2. Nếu người dân tiếp tục chưa đồng tình cơ quan chức năng tiếp tục căn cứ theo quy định của pháp luật để giải quyết. “Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ, chúng tôi rất quan tâm đến yêu cầu giải quyết bức xúc của người dân, đặc biệt là ranh quy hoạch”- ông Khái bày tỏ. Tuy nhiên, ông cho rằng cần thông tin, tuyên truyền và vận động người dân, để mọi yêu cầu, bức xúc của người dân được giải quyết theo đúng quy định. |