Trong công việc hàng ngày
“Đó không phải việc của tôi”
Câu trả lời ích kỷ này không những làm đồng nghiệp và sếp nổi giận mà còn có thể khiến bạn mất việc. Có thể công việc được giao chưa từng được đề cập đến trong bảng mô tả công việc của bạn, nhưng nếu đó là việc trong tầm tay để đóng góp cho sự phát triển của công ty thì bạn không nên từ chối. Nếu chuyện giao việc ngoài chuyên môn diễn ra quá thường xuyên, bạn có thể đề nghị một cuộc trao đổi nghiêm túc và thẳng thắn với bộ phận nhân sự thay vì phản ứng ngay lập tức với sếp và đồng nghiệp.
“Tôi sẽ ráng làm”
Nếu bạn muốn làm mọi người nghi ngờ năng lực của mình thì hãy nói câu này. Thực ra, để tăng uy tín và lòng tin nơi đồng nghiệp và cấp trên, bạn nên mạnh dạn khẳng định sự tự tin của bản thân trước công việc bằng các câu như “Tôi nhận việc này”, "Tôi sẽ làm việc này”. Đây là việc nằm trong khả năng của bạn, nên bạn chẳng cần “cố gắng” cũng chẳng cần “ráng”.
“Tôi không thích”
Nếu bạn thẳng thắn phê bình chuyện này chuyện kia nơi công sở, bạn sẽ mau chóng bị cô lập. Có rất nhiều cách để góp ý và đánh giá, bạn nên chọn cách mềm mỏng nhất. Hãy thay tất cả những từ ngữ tiêu cực bằng những từ tích cực hơn và chú ý vào việc đưa ra giải pháp hơn là phê bình. Ví dụ, thay vì nói “Tôi không thích”, hãy đề nghị “Tôi nghĩ chỗ này chưa ổn, chúng ta có thể làm theo cách này”.
“Tôi bận quá”
Chẳng có ai rảnh rỗi cả đâu. Mọi người đều căng thẳng Trong trường hợp bạn thực sự đang quá tải, hãy từ chối khéo léo hơn “Tôi đang làm dở một số việc, khi nào xong tôi sẽ hỗ trợ anh/chị ngay”.
Trong buổi phỏng vấn
“Tôi cứ tưởng…”
Câu nói này không chỉ thể hiện sự thiếu chuẩn bị mà còn thể hiện sự thiếu nhiệt tình và quan tâm của bạn với công việc. Nếu nhà tuyển dụng nói điều gì đó làm bạn ngạc nhiên, đừng thể hiện một cách lộ liễu, hãy bình tĩnh để có câu trả lời tự tin.
“Thật ra thì…”
Nói câu này sẽ khiến người phỏng vấn cảm giác là bạn đã nói dối từ nãy đến giờ.
“Công ty cũ tệ lắm!”
Nói xấu chỗ làm cũ không phải là chuyện tốt, đặc biệt là trong buổi phỏng vấn xin việc mới. Nếu thực sự bạn đã gặp toàn chuyện xấu, tốt nhất là im lặng. Nhà tuyển dụng chắc chắn không thích những người tiêu cực và hay than vãn.
Trong đơn xin việc
Nguyên tắc đầu tiên cần nhớ, là hãy cụ thể hóa mọi kỹ năng và kinh nghiệm của bạn trong CV một cách ngắn gọn và rõ ràng, tránh những từ ngữ như:
“Được đánh giá cao”: Hãy chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy, đừng chỉ nói.
“Thích làm việc nhóm”: Đây là một mô tả quá chung chung, hãy giải thích cụ thể cho nhà tuyển dụng vị trí, nhiệm vụ của bạn khi tham gia các nhóm làm việc.
“Giải quyết vấn đề nhanh”: Lại một câu nói cần tránh, hãy tóm tắt các thành tựu của bạn, nó sẽ thể hiện khả năng bạn giải quyết vấn đề.