Sáng 24-10, Thường trực UBND TP.HCM đã có buổi gặp gỡ học sinh, sinh viên (HSSV) tiêu biểu tại Nhà văn hóa Sinh viên thành phố (Khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM).
Tại đây, nhiều ý kiến đóng góp thiết thực đã được các HSSV nêu lên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đô thị văn minh.
Về vấn đề học tập, em Mai Hải Yến (HS Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, quận 6) cho hay hiện nay, chương trình học ở phổ thông vẫn chủ yếu nặng lý thuyết, thực hành rất hạn chế, chưa có ứng dụng nhiều thì làm sao đào tạo được nguồn nhân lực trẻ có chất lượng. Ở nhiều bộ môn còn thiếu trang thiết bị, lâu lâu mới có tiết thực hành. Các nội dung học về kỹ năng còn hạn chế như ứng xử, giao tiếp... Ngoài ra, Yến nói thêm hiện nay cũng có nhiều sân chơi, cuộc thi để tìm kiếm tài năng nhưng sau đó chưa có những giải pháp để phát huy tài năng đó, rất lãng phí.
Em Hải Yến phát biểu ý kiến. Ảnh: P.ANH
Đồng ý ý kiến này, em Ngọc Danh, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5), cũng cho rằng hiện nay ở trường phổ thông đang thiếu các tiết dạy về kỹ năng thực hành, HS chủ yếu ngồi nghe ở lớp suốt 45 phút mà ít có cơ hội đi thực tế và rèn luyện kỹ năng. Do đó, Danh mong muốn ngành giáo dục cần tiếp tục nghiên cứu, tăng cường các hình thức học tập trải nghiệm, đáp ứng nhu cầu thực tế của HS.
Tương tự, em Thảo Vy, HS Trường THPT Thủ Đức (quận Thủ Đức), cho rằng cần đổi mới cách dạy học tiếng Anh hiện nay ở phổ thông vì có những lớp tiếng Anh học phí lên đến 1 triệu đồng/học kỳ là rất cao với nhiều gia đình HS, sĩ số lại 45 em/lớp nên giáo viên rất khó tương tác với HS. Ngoài ra, nội dung học suốt 12 năm cứ lặp đi lặp lại về từ vựng, ngữ pháp... rất nhàm chán, chưa chú trọng kỹ năng nghe nói. Như vậy rất lãng phí và HS học không hiệu quả.
Ở một góc tiếp cận khác, em Ngọc Thương (Trường THPT Đào Sơn Tây) kiến nghị lùi giờ học vào 8 giờ thay vì 7 giờ như hiện nay. Vì theo Thương, 7 giờ học là rất sớm khiến ngày nào em cũng phải vội vã dậy thật sớm để chuẩn bị đi học, vừa kẹt xe, hít không khí ô nhiễm khói bụi mà còn không được tận hưởng những niềm vui buổi sáng để thong thả tung tăng đến trường. Em muốn lùi giờ học để tinh thần thoải mái sẽ học tốt hơn, có thể đi bộ đến trường sẽ giảm tình trạng kẹt xe cho TP.
Em Ngọc Thương góp ý lùi giờ học vào 8 giờ. Ảnh: P. ANH
Đáp lại những góp ý của các em HS, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng ghi nhận ý kiến của các HS. Tuy nhiên, hàng năm, số HS ngày một tăng, TP mỗi năm đưa thêm vào sử dụng hơn 1.500 phòng học. Như hiện nay, trường lớp và phòng thực hành, thí nghiệm mới đáp ứng nhu cầu học tập cơ bản cho HS. Năm học này, TP cũng đang triển khai các dự án trường học thông minh cho 5 trường. Trong đó có xây dựng phòng thí nghiệm hiện đại, giúp HS có cơ hội tiếp cận thiết bị hiện đại và điều kiện học tập tốt hơn.
Ông Lê Hoài Nam phát biểu tại buổi gặp HSSV tiêu biểu (ảnh: P.ANH)
Ngoài ra, về đổi mới dạy học, ông Nam cho rằng, nhiều trường học hiện nay đã tăng cường các tiết học trải nghiệm, chương trình kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội cho học sinh, tổ chức các tiết học ngoài nhà trường ở sở thú, bảo tàng, rừng ngập mặn...
“Tuy nhiên, do chương trình văn hóa hiện nay khá nặng nên chiếm hầu hết thời gian lên lớp, tiết học ngoài nhà trường bị hạn chế. Ngay cả việc lùi giờ học cũng khó thực hiện vì có liên quan đến giờ làm việc của phụ huynh, còn đảm bảo cho giờ kết thúc buổi học không quá muộn sẽ ảnh hưởng việc học của các em” – ông Nam nói.
Ông Nam cho biết, thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu, đổi mới dạy học để tăng thời lượng học ngoài nhà trường, tăng học 2 buổi/ngày, đưa thêm các nội dung dạy kỹ năng để tạo điều kiện phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất cho HS.