Mô hình khu biệt thự được thực hiện dựa trên những kiến thức đã học. Đây là một trong những nội dung quan trọng mà em Trần Quốc Nhật Minh, học sinh lớp 6/7 sử dụng để thuyết trình cho những người tham quan về sản phẩm dự thi của nhóm trong ngày hội giáo dục STEM.
Sản phẩm của nhóm Nhật Minh khiến nhiều người tham dự ngày hội cảm thấy thích thú. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Sáng 7-3, trường THCS Phan Tây Hồ, quận Gò Vấp đã tổ chức Ngày hội giáo dục STEM lần thứ hai với chủ đề “Những nhà phát minh tương lai”.
Tham dự ngày hội, có đến 95 sản phẩm tham gia của học sinh toàn trường. Trong đó có sáu sản phẩm đã đạt giải cấp thành phố với ba giải nhì và ba giải ba.
Các sản phẩm mà học sinh tham dự đều thể hiện tinh thần nghiên cứu khoa học của học sinh và đặc biệt nó cho thấy được sự vận dụng kiến thức từ sách vở vào những sản phẩm mang tính ứng dụng cao.
Em Minh Châu giới thiệu cho khách tham dự về sản phẩm do nhóm mình thiết kế. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Chia sẻ về sản phẩm “Khu biệt thự” của mình, em Nhật Minh cho biết, từ nhỏ em đã đam mê tìm hiểu những khu biệt thự. Em thường xuyên lên mạng tìm kiếm những khu biệt thự độc lạ và tự lên ý tưởng thiết kế. Vì thế, khi biết nhà trường có cuộc thi thiết kế em đã cùng với ba bạn thực hiện.
“Mất ba tháng để chúng em hoàn thành bộ sản phẩm này. Khu biệt thự được làm dựa trên những kiến thức mà tụi em đã được học trong sách giáo khoa. Những đồ trang trí trong khu biệt thự là tụi em tự đi mua về mày mò làm. Dù vẫn còn nhiều thiếu sót nhưng khi sản phẩm hoàn thành ai cũng vui. Vì biết rằng những kiến thức từ sách vở đều có tính ứng dụng với thực tiễn nếu biết áp dụng”, Nhật Minh nói.
Chỉ tay về sản phẩm “Ngôi nhà thông minh”, em Hoàng Thị Minh Châu, cho biết, để làm sản phẩm này, chúng em mất khoảng hai tuần. “Ngôi nhà thông minh” được thực hiện dựa trên những kiến thức mà em đã được học. “Vận dụng môn công nghệ về quy trình thiết kế nhà bằng que đè lưỡi, vận dụng môn mỹ thuật về trang trí ngôi nhà hay với kiến thức vật lý để làm đèn sáng lên khi vỗ tay. Với sản phẩm này, em mong tạo ra sản phẩm ngôi nhà thông minh có hệ thống đèn có thể bật tắt bằng cách thổi hoặc vỗ tay, tạo nên không gian vui chơi sinh động, tiện lợi cho ngôi nhà”, Minh Châu bày tỏ.
Những kiến thức đã học đều được các em vận dụng vào các sản phẩm của mình trong quá trình thực hiện. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Không chỉ là những sản phẩm mang tính chất nghiên cứu khoa học, mà tại ngày hội, mọi người còn được chiêm ngưỡng những con cào cào làm từ lá dừa đến từ câu lạc bộ khéo tay hay những chiếc quạt xinh xắn. Và đâu đó là những bài văn, bài thơ với ngôn từ trong sáng, đáng yêu của học trò đến từ câu lạc bộ văn học.
Nói về ý tưởng thực hiện ngày hội, bà Vũ Thị Thơ, Hiệu trưởng trường THCS Phan Tây Hồ, cho hay đây là lần thứ hai nhà trường tổ chức Ngày hội giáo dục STEM.
“Giáo dục STEM đã được nhà trường đưa vào giảng dạy từ năm 2017-2018. Giáo dục STEM sẽ giúp các em thực hiện được mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất, đáp ứng nhu cầu trong thời đại giáo dục mới. Giáo dục STEM được triển khai tại trường với nhiều hình thức như dự án STEM, ngày hội STEM, câu lạc bộ STEM, tiết học STEM. Tổ chức các câu lạc bộ theo hình thức giáo dục STEM góp phần đánh thức tiềm năng khoa học kỹ thuật của các em học sinh. Câu lạc bộ STEM là sân chơi của học sinh để các em thỏa sức đam mê khoa học, công nghệ và kỹ thuật, góp phần định hướng nghề nghiệp trong tương lai”, cô Thơ nhấn mạnh.