Học sinh vi phạm giao thông không bị thôi học

Chiều 14-3, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Đồng Ngọc Ba cho biết Cục đã có buổi làm việc với Sở GD&ĐT TP Hà Nội cùng một số đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT.

Sau buổi làm việc, Sở GD&ĐT TP Hà Nội đã sửa lại nội dung văn bản và đăng tải trên website chính thức của cơ quan này.

Không đúng thẩm quyền

Theo văn bản mới này, việc xử lý học sinh (HS) được điều chỉnh theo hướng bỏ quy định cứng về việc buộc thôi học một tuần đối với HS vi phạm lần hai mà giao cho các cơ sở giáo dục xử lý theo quy định và hướng dẫn hiện hành của Bộ GD&ĐT.

“Nội dung mới đã phù hợp với quy định của pháp luật. Sở GD&ĐT cũng như UBND TP Hà Nội đã rất cầu thị và khẩn trương, có sự căn chỉnh văn bản cho phù hợp” - Cục trưởng Đồng Ngọc Ba bình luận trước động thái tích cực này của Hà Nội.

Theo các chuyên gia pháp lý, vấn đề chính là Sở không có thẩm quyền để ban hành quy định đó nên phải sửa lại văn bản. Đối với việc xử lý kỷ luật HS, các trường phải căn cứ vào các quy định của pháp luật để thực hiện.

Trước đó, Sở GD&ĐT TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 925/KH-SGD&ĐT chỉ đạo các nhà trường có biện pháp xử lý đối với HS vi phạm giao thông. Nếu trường hợp tái phạm nhiều lần thì sẽ bị buộc thôi học một tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe.

Văn bản này của Sở GD&ĐT TP Hà Nội dấy lên nhiều tranh luận trái chiều.

Xử phạt học sinh vi phạm luật giao thông là cần thiết nhưng không nên tạm đình chỉ học. Ảnh: HTD

Tạm cho nghỉ học - lợi bất cập hại

NGƯT Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Wellspring, Hà Nội, cho biết: “Việc xử phạt HS vi phạm giao thông là cần thiết vì HS vi phạm Luật Giao thông đường bộ là hiện tượng kéo dài nhiều năm. Sở GD&ĐT, công an và nhà trường đã đề ra nhiều giải pháp để xử lý HS vi phạm nhưng nhiều năm rồi hiệu quả thấp, cần phải có giải pháp quyết liệt hơn. Tôi tán thành xử phạt, tuy nhiên cách làm như thế nào thì cần phải hết sức thận trọng. Bởi nhà trường là môi trường giáo dục, làm sao để HS không bị oan ức, không bị ruồng rẫy, vứt bỏ ra ngoài lề”.

Nhà giáo Trần Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Phạm Ngũ Lão, TP.HCM, nêu băn khoăn nếu HS bị tạm đình chỉ học trong thời gian diễn ra kiểm tra thì trách nhiệm thuộc về ai, rồi các em bị mất bài, hổng kiến thức làm ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của các em thì quy trách nhiệm cho nhà trường hay giáo viên cũng rất khó. Việc quản lý HS trong thời gian đó cũng không phải đơn giản và ai sẽ chịu trách nhiệm.

“Hơn nữa, phần lớn HS vi phạm giao thông rơi vào những em lớp 10 và 11, đây là tuổi tâm lý các em rất phức tạp, ưa thể hiện nên nếu áp dụng xử phạt không đúng dễ gây hệ quả ngược lại là đẩy các em vào môi trường phạm tội khác nguy hiểm hơn, hậu quả khó lường trước được. Như các em dễ vướng vào các tệ nạn xã hội như game, đánh nhau, ma túy... Hệ lụy này còn nặng hơn cả hình phạt kỷ luật giao thông mà chúng ta làm” - ông Trần Văn Phúc nói.

Đừng để các em bị mặc cảm

Với thực trạng HS vi phạm về an toàn giao thông như hiện nay thì cần thiết phải áp dụng hình thức xử lý để giáo dục các em. Trong lúc toàn xã hội đang kêu gọi thực hiện văn hóa trong giao thông thì HS, sinh viên, những tương lai của đất nước mà vi phạm luật giao thông thì cần phải xử lý nghiêm. Khi các em có những ứng xử đúng khi tham gia giao thông thì không những đảm bảo an toàn cho chính các em, mà còn an toàn cho những người tham gia giao thông.

Tuy nhiên, tôi băn khoăn về việc xử phạt các em như thế nào để các em không bị mặc cảm, không cảm thấy xấu hổ, mà đó là bài học để các em rút kinh nghiệm, lần sau không tái phạm nữa. Một điều quan trọng là phụ huynh cũng phải có ý thức tuân thủ luật giao thông, phụ huynh mà không gương mẫu thì các con làm sao gương mẫu được.

PGS VĂN NHƯ CƯƠNG, Chủ tịch HĐQT
 Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội)

Ở trường tôi từng đình chỉ HS vi phạm Luật Giao thông đường bộ nhưng cao nhất là ba ngày. Trong ba ngày đó không thể giao cho địa phương hay gia đình quản lý, HS vẫn phải đến trường, tuy nhiên không được vào lớp mà phải học trên phòng hội đồng dưới sự hướng dẫn và giám sát của giáo viên. Thực tế sau khi xử phạt thì có những chuyển biến tích cực trong HS toàn trường. Đây không phải là trừng phạt mà là giáo dục HS để HS tuân thủ pháp luật.

NGƯT ĐẶNG ĐÌNH ĐẠI, Hiệu trưởng Trường THPT Wellspring, Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm