Hôm nay (25-12), theo triệu tập của Bộ Chính trị, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII sẽ khai mạc tại Hà Nội.
Nội dung hội nghị sẽ có việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ với các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; cho ý kiến về dự kiến danh sách nhân sự đưa vào quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII...
Trước đó, các tỉnh, thành, bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Trung ương cơ bản hoàn thành việc phát hiện, giới thiệu nhân sự (những tổ chức đảng cuối cùng triển khai công việc này hoàn tất hôm 10-12).
Trả lời báo chí, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình cho biết bước đầu tiên mà cơ sở đã triển khai nằm trong quy trình năm bước, áp dụng cho vị trí được quy hoạch là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
Bước tiếp theo là Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, tập hợp, rà soát kết quả phát hiện, giới thiệu nguồn quy hoạch. Những ngày qua, một tổ giúp việc với đại diện đến từ các ban xây dựng Đảng như Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã hoàn tất công tác này.
Toàn cảnh một phiên khai mạc hội nghị Ban Chấp hành Trung ương. Ảnh: VOV
Bước ba, Bộ Chính trị xem xét, thảo luận báo cáo của Ban Chỉ đạo và thông qua danh sách nhân sự dự kiến quy hoạch.
Đây là bước quan trọng để chuyển sang bước bốn, tại Hội nghị Trung ương 9 này, Bộ Chính trị lấy ý kiến Trung ương bằng phiếu kín về danh sách nhân sự đưa vào quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
Trong quy trình chặt chẽ, tại bước bốn này, sau khi tổng hợp ý kiến từ Hội nghị Trung ương 9, Ban Tổ chức Trung ương sẽ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan hữu quan sẽ tiến hành thẩm định, xác minh về nhân sự và các vấn đề liên quan. Kết quả thẩm định, xác minh sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo để trình Bộ Chính trị.
Bước năm là bước cuối cùng, dự kiến quý I-2019, Bộ Chính trị sẽ nghe Ban Chỉ đạo báo cáo kết quả lấy ý kiến của Trung ương, báo cáo thẩm tra của các cơ quan chức năng, thảo luận và tiến hành bỏ phiếu quyết định phê duyệt danh sách nhân sự đưa vào quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026.
Quy trình, thủ tục năm bước trên sẽ phải bám vào các yêu cầu mà theo ông Nguyễn Thanh Bình là đầu tiên phải coi trọng tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, sự gương mẫu của bản thân và gia đình. Cán bộ đó sẽ được xem xét về năng lực công tác gắn với kết quả công tác, sản phẩm cụ thể ở lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách; có hoài bão, khát vọng đổi mới vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.
Từng bước trong quy trình luôn đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan tham mưu trong công tác phối hợp để nâng cao chất lượng thẩm tra nhân sự quy hoạch; đồng thời giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ trong xem xét, quyết định nhân sự quy hoạch, không vì số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn…
Quy hoạch cán bộ là một phần quan trọng trong công tác cán bộ. Đúng một năm trước, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 105 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, theo đó một điểm mới được nhấn mạnh là ứng viên phải trong quy hoạch - khác với các khóa trước là quy định theo kiểu chung chung, dẫn tới vận dụng cho cả trường hợp ngoài quy hoạch.
Nguồn tin am hiểu về công tác quy hoạch nói: Quy hoạch cũng như tìm kiếm dàn cầu thủ cho một đội bóng. Tìm 30, sau nhiều sàng lọc, chỉ chọn ra 11 đưa vào trận đấu chính thức. Quy hoạch đang làm cũng vậy, lưu ý là ở mức tìm nhân tố mới. Còn những người đang là ủy viên Trung ương, tiếp tục giới thiệu tái cử hay không, quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư… thì chưa bàn tới. |