Nửa thế kỷ đi qua, cũng như di tích các vụ thảm sát Sơn Mỹ (TP Quảng Ngãi), Bình Hòa (huyện Bình Sơn), Khánh Giang, Trường Lệ (huyện Nghĩa Hành), di tích này trở thành điểm tham quan của du khách. Họ đến đây để hiểu rõ về nỗi đau chiến tranh và khát vọng hòa bình...
Nỗi đau không nguôi.
Di tích vụ thảm sát Diên Niên, nằm sát bên đường quốc lộ 24 nối TP Quảng Ngãi với huyện Sơn Hà. Ông Nguyễn Đồng, nguyên chính trị viên xã đội Tịnh Sơn kể: Điểm thảm sát trước đây là đình làng Diên Niên. Sau khi quân đội Triều Tiên đi càn đã tập hợp 123 người dân từ các thôn Tây, An Thọ và nhiều nhất là thôn Diên Niên lại đình làng rồi xả súng vào dân tầm 5 giờ sáng 13-10-1966. Sau khi địch rút, ông Đồng cùng với những du kích trong làng trở về thấy đình làng tan hoang, không còn một ai.
Bia tưởng niệm thường dân bị quân đội Nam Triều Tiên thảm sát ở Diên Niên. Ảnh: Võ Quý
Về vụ thảm sát Phước Bình - nay là vùng gò đồi giáp Tịnh Thọ, Tịnh Bình, ông Nguyễn Tấn Kỳ, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi, cũng là du kích địa phương kể lại: Địch đến gom dân về đây cũng như ở Diên Niên rồi xả súng bắn. Cảnh tượng sau khi địch rút đi cũng đau xót khôn tả.
50 năm đi qua, điểm xảy ra vụ thảm sát Diên Niên, Phước Bình đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư kinh phí xây dựng bia tưởng niệm khắc ghi tên những người đã khuất.
Bia tưởng niệm thường dân bị thảm sát ở Phước Bình. Ảnh: Võ Quý
Ở phía sau điểm di tích vụ thảm sát Diên Niên, những ngôi mộ của những người bị thảm sát giờ cũng đã được xây dựng. Trong ngày tưởng niệm, ngày lễ, ngày tết, người thân và du khách đến thăm vẫn thắp hương tưởng nhớ.
Hồi sinh
50 năm đi qua, Diên Niên, Phước Bình đã có nhiều đổi thay. Lúa đã lên xanh trên cánh đồng làng. Trường học, nhà văn hóa, xóm làng đã mọc lên trên vùng đất trắng ngày nào bị địch cày xới.
Đến thăm nhà anh Nguyễn Nga, cách di tích vụ thảm sát Phước Bình chừng 20 m. Trong vụ thảm sát năm đó, có 10 người thân của anh đã bị quân đội Nam Triều Tiên giết hại, trong đó, có mẹ và ba em. Thắp hương trên bàn thờ không có di ảnh, anh ngùi ngùi kể: "Sau vụ thảm sát năm đó, kẻ thù còn càn quét nhiều lần nên nhà cửa tan hoang, nào có giữ được di ảnh nào đâu".
Một góc làng Diên Niên, gần đình Diên Niên - nơi xảy ra vụ thảm sát. Ảnh: Võ Quý
Vào cái ngày định mệnh đó, anh theo anh trai lùa bò qua phía Tịnh Thọ nên thoát chết. Sau đó, hai anh em phải nương nhờ phía ngoại. Lớn lên, anh tham gia du kích, bảo vệ quê hương. Sau ngày hòa bình, anh được Nhà nước cho đi học, trở thành cán bộ thú y.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Tịnh Sơn, cho hay: Thôn Diên Niên được sự đầu tư, quan tâm của Nhà nước nên công trình thủy lợi Thạch Nham đã làm hồi sinh vùng đất khô cằn với 598 hộ dân này.
Còn ở vùng Phước Bình đất gò đồi, 250 hộ bà con đã sinh sống bằng nghê trồng cây keo lai, trồng mía, trồng mì nên cuộc sống khá dần lên. Vùng Phước Bình nay đã quy hoạch thuộc vùng huyện lỵ Sơn Tịnh nên trong tương lai sẽ có cơ hội để phát triển dịch vụ, thương mại.