Theo BS Bá Duy Khương, khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM), một khi đã mắc bệnh hôn mê gan thì hơi thở của người bệnh sẽ có mùi trái cây thối rất khó chịu. Nếu ai đó vô tình hít phải có lẽ sẽ… không thể quên.
Thay đổi tính tình
BS Khương kể cách đây ít hôm, khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định có tiếp nhận một nam bệnh nhân khoảng 45 tuổi trong tình trạng đau bụng quằn quại. Tuy vậy, khi nằm trên băng ca, bệnh nhân vẫn nói chuyện huyên thuyên, hơi thở có mùi hôi rất khó chịu.
Người nhà cho biết bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa nặng đã lâu nhưng điều trị thất thường, không uống thuốc theo lời khuyên của BS. Đáng chú ý là trước đây người bệnh ít nói, bỗng dưng gần đây thay đổi tính tình, nói nhiều, lại hay quên. Bệnh nhân cũng thường đi cầu ra máu.
Hôn mê gan thường xuất hiện ở giai đoạn cuối của bệnh xơ gan. (Hình minh họa)
Kết quả chẩn đoán của BV cho thấy bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản. Nguyên nhân là do bệnh nhân bị xơ gan khiến máu bị cản trở dòng lưu thông khi đi qua gan. Điều này dẫn đến hiện tượng làm giãn tĩnh mạch thực quản và tĩnh mạch phình vị dạ dày.
“Khi bị giãn quá mức, các tĩnh mạch sẽ bị vỡ khiến người bệnh đi cầu ra máu. Không chỉ vậy, do máu từ tĩnh mạch đưa đến gan không được tế bào gan chuyển hóa, trở thành các chất độc làm rối loạn chuyển hóa ở não. Các chất độc này là nguyên nhân khiến hơi thở bệnh nhân có mùi trái cây thối” – BS Khương giải thích.
Một trường hợp khác mắc bệnh gan có biến chứng hôn mê gan phải nhập viện tại BV Nhân dân 115 mới đây là một bệnh nhân nam 50 tuổi.
Theo BS Lê Thị Tuyết Phượng, Trưởng khoa Nội tiêu hóa BV Nhân dân 115, bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng bụng rất bự, lơ mơ và nói nhảm. “Mặc dù lúc đó mới là 10 giờ sáng, nhưng bệnh nhân lại hối người nhà giăng mùng ngủ vì đã khuya. Sau đó, đòi người nhà dẫn lên lầu xem truyền hình cho dù đang ở BV. Qua thái độ bất thường cộng với hơi thở có mùi khó ngửi đặc trưng, BS chẩn đoán bệnh nhân đã bị hôn mê gan”, BS Phượng kể lại.
Một trong những dấu hiệu của hôn mê gan là hơi thở có mùi trái cây thối rất đặc trưng. (Hình minh họa)
Để có kết luận chắc chắn, BS viết trên tờ giấy những con số từ một tới 20 và bảo bệnh nhân nối theo thứ tự. Tuy nhiên, bệnh nhân lại nối 2-6-17-1-9… BS tiếp tục yêu cầu vẽ hình ngôi sao năm cánh thì bệnh nhân lại vẽ sao bốn cánh, sáu cánh…
“Bệnh nhân bị xơ gan nặng do rượu và đã biến chứng sang hôn mê gan, hoàn toàn mất tri gác. Những trường hợp như thế này BV gặp khá là nhiều”, BS Phượng cho biết thêm.
Hãy nói không với rượu
Theo BS Khương cho biết hôn mê gan còn gọi là bệnh não gan. Nguyên nhân dẫn đến bệnh này là do biến chứng của các bệnh lý gan cấp tính hoặc mạn tính.
“Nguyên nhân dẫn tới các bệnh gan cấp tính có thể là suy gan cấp do thuốc, do nhiễm độc, do rượu… Còn suy gan mạn tính là những bệnh gan kéo dài, dẫn đến viêm gan mạn, xơ gan, ung thư gan. Nguyên nhân suy gan mạn tính thường do nghiện rượu, viêm gan siêu vi B và C. Ngoài ra, xuất huyết tiêu hóa, rối loạn điện giải, táo bón, dùng quá nhiều thuốc lợi tiểu, thuốc an thần… cũng là những yếu tố thuận lợi dẫn đến hôn mê gan”, BS Khương cho biết.
Uống rượu nhiều là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về gan. (Hình minh họa)
Đồng quan điểm, BS Phượng cho biết thêm: “Người bị hôn mê gan ở từng giai đoạn lại có mỗi biểu hiện khác nhau. Cụ thể, ở giai đoạn đầu sẽ xuất hiện những biểu hiện như rối loạn tri giác, thay đổi tính tình, hay quên, bồn chồn lo lắng, mất định hướng không gian thời gian. Giai đoạn này có thể chẩn đoán bằng một số phương pháp như nối số, vẽ vòng tròn, vẽ ngôi sao… Nếu thực hiện không đúng thì khả năng bệnh nhân bị hôn mê gan rất cao”, BS Phượng nói.
Ở giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê gan sâu. Giai đoạn này có thể xảy ra hiện tượng “hơi thở mùi gan”, một mùi đặc trưng giống mùi trái cây thối. Chưa hết, bệnh nhân còn có biểu hiệu run rẩy. “Khi đến giai đoạn cuối, bệnh nhân hôn mê gan hoàn toàn không biết gì và có thể tử vong. Đa phần bệnh nhân bị hôn mê gan là những người nghiện rượu, do vậy, để tránh bệnh này, càng tránh xa rượu càng tốt”, BS Phượng khuyến cáo.
Để phòng ngừa hôn mê gan, những người mắc bệnh gan cần được theo dõi và điều trị bởi BS chuyên khoa, hạn chế khởi phát hôn mê gan. Bên cạnh đó, cần hạn chế uống rượu để tránh mắc bệnh gan. Người bị viêm gan siêu vi B, C cần điều trị sớm, không tự ý sử dụng các loại thuốc không có chỉ định của BS, đặc biệt là các các loại thuốc giảm đau, an thần, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, thành phần. BS Lê Thị Tuyết Phượng Trưởng khoa Nội tiêu hóa BV Nhân dân 115 (TP.HCM) |