Bộ Tư pháp vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đánh giá hậu quả, tác hại của việc ban hành văn bản trái pháp luật.
Theo đó, Bộ Tư pháp cho biết qua kiểm tra văn bản do các bộ ngành, địa phương ban hành, đơn vị phát hiện hơn 5.600 văn bản trái pháp luật. Trong đó, có tới trên 1.200 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung, hơn 3.800 văn bản sai sót về căn cứ pháp lý và thể thức kỹ thuật trình bày văn bản, gần 600 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.
Nhiều văn bản trái luật được ngành tư pháp phát hiện.
“Số lượng văn bản trái pháp luật được phát hiện ở các lĩnh vực khác nhau khá lớn, gây ra những thiệt hại, tác động tiêu cực đến các quan hệ xã hội trong đời sống kinh tế, xã hội”, Bộ Tư pháp nhấn mạnh.
Ngành Tư pháp cũng cho biết trong năm 2017, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã kiểm tra, phát hiện và kết luận 157 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền. Trong đó có 26 văn bản của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và 131 văn bản của hội đồng nhân dân, UBND cấp tỉnh. Đây chủ yếu là văn bản trái pháp luật trong lĩnh vực kinh tế.
Bộ Tư pháp đánh giá văn bản trái pháp luật được phát hiện ở tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, nội dung trái pháp luật đa dạng, ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của có quan, tổ chức, cá nhân với các mức độ khác nhau.
Nhận xét về số lượng văn bản trái pháp luật chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng điều này “ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh của nước ta”.
Đánh giá hậu quả, Bộ Tư pháp thừa nhận do “không có đầy đủ thông tin” nên chưa đánh giá tổng thể, đầy đủ, toàn diện về hậu quả, tác hại của việc này.
Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, văn bản trái luật thường có tác động “tiêu cực đa chiều”, vừa làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, vừa ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Chẳng hạn, một số văn bản quy định về thủ tục hành chính không đúng thẩm quyền làm phát sinh chi phí về hồ sơ, giấy tờ, thời gian để thực hiện. Điều này có thể phát sinh phiền hà, phức tạp trong quá trình người dân đi làm thủ tục hành chính. Một số văn bản có nội dung trái luật đưa vào thực thi gây thiệt hại về kinh tế, thời gian, công sức của người dân, doanh nghiệp, phát sinh khiếu nại, khiếu kiện.
Bộ Tư pháp cũng nhắc đến các quy định kiểu không cho phép học sinh, sinh viên tham gia biểu diễn nghệ thuật tại vũ trường, quán karaoke; quy định trong văn bản chưa sát thực tế, mang tính cấm đoán, có biểu hiện “ngăn sông cấm chợ” đối với cá nhân tham gia giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc gia cầm.
Văn bản trái pháp luật của một số địa phương thường đặt thêm nghĩa vụ hoặc hạn chế quyền khi tổ chức việc cưới, việc tang; phát sinh nghĩa vụ nộp thuế...
Văn bản trái pháp luật còn làm phát sinh chi phí phục vụ quá trình xử lý văn bản trái pháp luật. Dù chưa có con số chính thức, nhưng dựa trên số lượng văn bản được phát hiện thì Bộ Tư pháp nhìn nhận, con số này là khá lớn. Trong đó, có chi phí giải quyết hậu quả khi có khiếu nại, khiếu kiện kéo dài do văn bản trái luật gây ra.
“Về lâu dài, văn bản trái luật không được xử lý kịp thời sẽ làm mất niềm tin vào sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, giảm ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, có thể dẫn đến những hậu quả khó lường”, Bộ Tư pháp cảnh báo.
Theo đó, Bộ Tư pháp đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó hoàn thiện cơ chế xử lý văn bản trái pháp luật nhanh chóng, triệt để.
“Đặc biệt, nghiên cứu, đề xuất trách nhiệm của cơ quan tham mưu, trách nhiệm cụ thể người đứng đầu... Đồng thời đưa ra cơ chế trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong việc ban hành và thi hành văn bản trái pháp luật...”, Bộ này kiến nghị...