Chiều 28-6, VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho biết đã kháng nghị giám đốc thẩm bản án của TAND TP.HCM do việc tổng hợp hình phạt không đúng với các quy định dành cho người dưới 18 tuổi phạm tội.
Kháng nghị đã chỉ ra hàng loạt điều luật trong BLHS cho thấy đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, khi phạm tội nếu điều luật được áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù.
Nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức hình phạt tù mà điều luật quy định.
Tuy nhiên, hai cấp tòa ở TP.HCM đã tuyên án đến 22 năm tù, sau giảm còn 20 năm tù dành cho một người dưới 18 tuổi phạm tội. Án đã có hiệu lực từ năm 2011.
Bản án của TAND TP.HCM có hiệu lực từ năm 2011, bảy năm sau bị kháng nghị giám đốc thẩm vì việc áp dụng pháp luật sai lầm nghiêm trọng.
Nội dung vụ án: Tháng 2 và tháng 3-2010, tại quận Tân Bình, Lê Ngọc Trọng và đồng phạm có các hành vi phạm tội như trộm hai xe máy trị giá 6 triệu đồng, chém người gây thương tích 18%, sau đó lại chém người khác để chiếm đoạt xe mô tô. Thời điểm thực hiện các hành vi này, Trọng chỉ 17 tuổi chín tháng.
Tháng 9-2011, TAND quận Tân Bình phạt Trọng 10 năm tù về các tội cố ý gây thương tích, cướp tài sản và trộm cắp tài sản. Tổng hợp hình phạt của bản án phúc thẩm 12 năm tù đối với Trọng về các tội giết người và cướp tài sản của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, HĐXX TAND quận Tân Bình đã buộc Trọng chấp hành hình phạt chung là 22 năm tù.
Tháng 12-2011, xử phúc thẩm, TAND TP.HCM đã bớt cho Trọng hai năm tù, buộc Trọng chấp hành hình phạt chung là 20 năm tù.
Theo kháng nghị, các lần phạm tội của Trọng đều được thực hiện khi Trọng chưa đủ 18 tuổi. Lẽ ra, tòa ngoài viêc căn cứ các điều 50, 51 BLHS 1999 thì còn phải căn cứ những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội tại các điều 74, 75 BLHS 1999 (nay thuộc các điều 101 và 103 BLHS 2015) quyết định mức hình phat cao nhất đối với Trọng không được quá 18 năm.
Tuy nhiên, khi tổng hợp hình phạt, tòa lại buộc Trọng phải chấp hành 22 năm, sau giảm còn 20 năm, là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng luật khi giải quyết vụ án, gây bất lợi cho bị cáo.
Vì sao án đã có hiệu lực 7 năm vẫn kháng nghị giám đốc thẩm? Mức án 20 năm tù đối với Trọng đã có hiệu lực từ năm 2011. Bảy năm sau, VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã kháng nghị giám đốc thẩm vì việc áp dụng pháp luật gây bất lợi cho Trọng. Theo Điều 379 BLTTHS 2015 thì thời hạn của việc kháng nghị theo hướng bất lợi cho người bị kết án là một năm, kể từ ngày án có hiệu lực. Còn thời hạn của việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án là... không có thời hạn, tức có thể kháng nghị bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ. Theo khoản 5 Điều 388 và Điều 393 BLTTHS 2015 thì Hội đồng Giám đốc thẩm có thẩm quyền sửa bản án đã có hiệu lực pháp luật. Việc sửa án được thực hiện khi các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã rõ ràng, đầy đủ; và việc sửa án không làm thay đổi bản chất vụ án, không làm xấu đi tình trạng của người bị kết án hay không gây bất lợi cho bị hại, đương sự. |