Nghệ sĩ Hồng Nga tuổi nhỏ cha mất sớm, 10 tuổi đã đi ở đợ cho người ta, cuộc sống chìm trong nước mắt buồn tủi. Bởi thế nghệ sĩ Hồng Nga luôn khao khát một cuộc sống gia đình hạnh phúc, tràn đầy tình thương yêu.
Tướng cướp Điền Khắc Kim cứu mạng
Bà có bốn đời chồng, năm người con nhưng không người chồng nào phụ giúp bà nuôi con chứ đừng nói chi nuôi vợ. Thậm chí có người bà đi hát xa về, sợ con quên mặt cha, sợ con nhớ cha, phải chở con đến nơi chồng làm việc để con được gặp cha rồi quày quả ra đi. Có người chồng cứ mãi xin tiền bà để tiêu xài, người thì lăng nhăng, người nhậu nhẹt. Riêng phận bà, dù khi đã nổi tiếng, có tên tuổi nhưng chỉ là đào mụ, đào lẳng, tiền lương làm sao bằng đào kép chính lại phải cáng đáng gia đình mẹ già, con mọn, chồng cũng phải nhờ mình. Khổ thêm một nỗi bà bỏ chồng thì thôi nhưng hễ có chồng, chồng “đụng đến” là có bầu.
Những năm 1970, khi cải lương gặp khó khăn vì cơn sốt phim kiếm hiệp Hong Kong, lại đang có bầu đứa con thứ hai gần tới ngày sinh không diễn được, Hồng Nga mang cái bụng bầu ngồi bệt bên hông rạp Quốc Thanh. Tướng cướp Điền Khắc Kim lừng danh ngày trước đi ngang thấy vậy hỏi: “Đào hát ha, bầu ha, đói ha?”. Bà trả lời: “Dạ, bầu không có hát được, đói lắm, anh ơi!”. Tay tướng cướp hào sảng nhét một nắm tiền vào tay cô đào nghèo. Hồng Nga nói ơn nghĩa này bà nhớ mãi vì những đồng tiền đó đã cứu mạng bà dù bà không giữ được đứa con mang trong bụng.
Hơn 70 tuổi, nghệ sĩ Hồng Nga vẫn cứ ngược xuôi từ Mỹ về Việt Nam với những show diễn để phục vụ khán giả. (Ảnh tư liệu)
Cả đời nghệ sĩ Hồng Nga đã chòi đạp để thoát khỏi số phận nghiệt ngã. (Ảnh tư liệu)
Những giọt nước mắt vì con
Cuộc đời đào hát rày đây mai đó, nghệ sĩ Hồng Nga phải nhờ mẹ nuôi bầy con nheo nhóc của mình. Sau 1975, cải lương sống lại nhưng đời sống khó khăn, Hồng Nga phải làm đủ thứ để nuôi con. Đi diễn xa bà bó thịt heo trong người để qua trạm kiểm soát về thành phố bán lại. Bà mua những bao gạo giấu trên xe đi diễn, về tới Sài Gòn oằn cổ đội từng thúng gạo từ dưới đất lên lầu chung cư lớp bán, lớp có cái cho con ăn. Nhưng bà vẫn không nuôi nổi con, phải gửi hai con lớn cho một người bạn khá giả nuôi giùm. Thập niên 1980, gia đình người bạn đó vượt biên, bà mất tung tích hai con, lòng bà đau như cắt nhưng gánh nặng cơm áo gạo tiền vẫn ghì sát đất.
Sang thập niên 1990, cải lương lại xuống dốc, bà có lúc bế tắc đến mức muốn trốn sang Campuchia đi làm lấy tiền trả nợ, nuôi con. Rồi tổ nghiệp đưa đẩy, bà chuyển sang diễn kịch ở Kịch Sài Gòn để có tiền hằng tuần sinh sống, nuôi con. Gia tài của bà lúc đó chỉ có chiếc xe Chaly lùn xủn, chạy đường dài rất mệt nhưng hằng ngày bà vẫn miệt mài từ Bình Dương về Sài Gòn để diễn. Cày cục mãi nghệ sĩ Hồng Nga cũng mua được miếng đất rộng ở Bình Dương, rồi bà lại gom góp tiền xây nhà để mong cho con có một mái ấm.
Khổ cực như vậy nhưng Hồng Nga rất ít khi khóc, than van. Nước mắt bà chỉ tuôn rơi vì tủi phận khi thắt ngặt nhất mà con lại vô tâm với mẹ. Bà dặn đứa con trai duy nhất của mình rằng mẹ diễn xong, con đàn xong nhớ chạy theo đưa mẹ về Bình Dương vì trời mưa, nước ngập chỗ Bình Triệu mình mẹ không đẩy xe qua được. Con bà nói dạ con nhớ, xong tan diễn lại đi nhậu mất. Đến khi sa vào bể nước, đường khuya vắng vẻ không nhờ được ai, con hoài vắng bóng, bà thắt dạ thắt lòng. Vậy nhưng giận thì giận đến tận bây giờ bà không bao giờ bỏ con vì “Tôi trơ trọi một thân, chỉ có mấy đứa con, tụi nó là máu thịt của mình, không thương nó thì thương ai”.
Người con gái lớn, bà đi lưu diễn, mai mối lo cho con lấy chồng, có gia đình con cái bên Thụy Sĩ, bà còn dành dụm cho con tiền mua nhà bên đó. Người con gái còn lại ham chơi bà khuyên hoài không được, nay cũng đã chịu về với bà để bà lo cho tương lai về sau. Cậu con trai bà cũng ráng lo nhà, lo xe, cưới vợ cho con, gửi tiền ngân hàng đầy đủ với ước mong con bớt ham vui, lo chí thú làm ăn. Hai người con thất lạc bà tìm kiếm suốt 18 năm, may nhờ một lần khóc kể tìm con khi đi lưu diễn ở Đức mà được khán giả tìm giúp mình. Một người con không nhận bà do bất đồng ngôn ngữ nhưng bà có điều kiện vẫn lặn lội sang thăm con, cho con chút tiền gọi là uống cà phê, năn nỉ con nhận bằng cách huơ chân huơ tay ra hiệu. Muốn ôm con vào lòng mà bà không dám vì biết ở nước ngoài nếu con không đồng ý thì không ai được ôm. Bà tự an ủi với lòng, hồi nhỏ mình phải đi diễn kiếm tiền nuôi con nên ít gần con, không có thời gian dạy con nên con mới như vậy chứ con mình cũng không phải hư hèn gì.
Bà có bốn đời chồng cũng vì luôn khao khát một mái ấm gia đình hạnh phúc. Bà nói: “Tôi không bao giờ ngoại tình. Tôi ở với ai là không bao giờ có gì với người khác, người ta có muốn tôi cũng không chịu, chừng nào thôi nhau rồi là thôi”.
Bây giờ hơn 70 tuổi song cuộc sống của nghệ sĩ Hồng Nga vẫn cứ ngược xuôi từ Mỹ về Việt Nam với những show diễn phải bay thật xa, phải chạy xe một mình đường xa bên Mỹ, phải sống trong một căn phòng trọ nhỏ ở Mỹ. Tuy nhiên, nghệ sĩ Hồng Nga không đi diễn vì sinh kế, bà diễn vì niềm vui, vì còn hát được, vì khán giả còn muốn nghe bà và hát vì để có tiền giúp cho nghệ sĩ nghèo, người nghèo ở quê nhà.
Ơn đền nghĩa trả Nghệ sĩ Hồng Nga là người rất rõ ràng chuyện tiền bạc, ai không hiểu bà sẽ thấy khó chịu vì bà hay tính toán chuyện tiền nhiều ít, mắc rẻ. Ai hiểu bà sẽ thấy rất thương vì mỗi đồng tiền bà làm ra đều nhọc nhằn mồ hôi, máu và nước mắt. Bây giờ khi không phải lo về kinh tế, bà luôn trăn trở, ráng nhớ những món nợ ân tình mà trả cho xong. Nhớ ơn ông bầu Xuân của đoàn Dạ Lý Hương, bà bầu bì liên tục vẫn cho bà ở trong hậu trường sân khấu, vẫn trả lương đầy đủ cho bà có tiền nuôi con chứ không đuổi việc, đuổi bà ra ngoài nên giờ hằng tháng bà xin gửi ông 2 triệu đồng để ông uống cà phê hay lo cho người nghèo thì tùy, đến khi bà hết khả năng thì thôi. Với khán giả trong nước, khi cải lương đã không còn nơi để diễn, đáp lại tấm chân tình của khán giả mong gặp mình, nghệ sĩ Hồng Nga đã không xin tài trợ, bà tính toán, chắt bóp từ số tiền dành dụm của mình để làm live show Nếu có yêu tôi sẽ diễn ra ngày 12-8 tại rạp Hưng Đạo, cũng với tâm niệm bán vé có dư thì để giúp người nghèo. Bà nói: “Tuổi này tôi không còn vui buồn, tranh giành, hơn thua gì hết. Nếu có ước muốn chỉ xin được gặp lại khán giả yêu mến mình, yêu mến cải lương, được lưu diễn một vòng miền Tây. Tâm nguyện của tôi chỉ là còn sống được ngày nào thì trả nghĩa cho đời ngày đó. Bởi tôi tuy không nhận được sự quan tâm, chăm sóc của người thân nhưng lại nhận được quá nhiều sự thương yêu, đùm bọc của khán giả như là một ân huệ bù đắp của cuộc đời. Với các con, tôi mong các con sống tốt, biết tự lo cho cuộc sống khi tôi không còn. Bởi con là núm ruột của mình, có mẹ nào mà bỏ con cho được”. |