Ai nấy đều cảm thấy lo lắng khi bà đã dùng hết số tiền dưỡng già để làm live show này với tâm nguyện dùng tất cả tiền lời, nếu có, để lo cho người nghèo mà số vé không bán được lại đang còn khá nhiều.
Lý do vé còn nhiều là do bà vốn mộc mạc, không biết nhờ ai, lẫn không xin tài trợ, đã tự thân mình làm hết tất cả các khâu. Bà tự thuê người treo băng rôn quảng cáo, chỉ biết gửi vé cho phòng vé ở nhà hát Hòa Bình, thấy còn nhiều quá thì tự mình đi bán. Thậm chí, bà còn phải tất bật lo toan cho những khâu khác của live show như thuê mướn làm cảnh trí, phục trang, lên lịch ráp tập cùng các nghệ sĩ…
Đã thế vài ngày trước Hồng Nga còn bị người giúp việc gom hết quần áo có giá trị cùng một số vé xem live show bỏ đi. Bà không báo công an với tâm niệm: “Ai làm sai thì rồi cũng sẽ bị phạt thôi”.
Trong live show cuối đời, nghệ sĩ Hồng Nga còn gửi gắm nỗi niềm làm mẹ của mình vào một bài ca cổ về ơn nghĩa của đấng sinh thành mà bà đặt viết riêng. Bao nhiêu buồn tủi của cuộc đời một cô bé mồ côi mẹ từ lúc 10 tuổi phải sống với mẹ kế; bao nhiêu đoạn trường của đời làm mẹ đầy nước mắt của mình bà chất chứa hết vào bài ca mong các con bà hiểu rằng: “Mất mẹ là mất tất cả. Mẹ là cả bầu trời”.
Nhưng lạ một điều, cuộc sống riêng càng đau khổ bao nhiêu thì nghệ sĩ Hồng Nga càng ca diễn hay bấy nhiêu. Khán giả luôn cười khóc theo những vai diễn bi – hài của bà. Hơn thế nữa, bà đã biết vượt qua nỗi đau của đời mình để yêu thương những cảnh đời khốn khó khác khi luôn lặng thầm và cố gắng làm từ thiện.
Thế nên với tính cách như thế, với tài năng như thế, với nỗi niềm và một tấm lòng như thế, nghệ sĩ Hồng Nga đã nhận được sự ủng hộ không chỉ từ đồng ngiệp thân hữu mà còn là sự quan tâm chia sẻ của rất nhiều người.
Cả đời khốn khó vì con Có bốn mặt con với bốn đời chồng mà bà lúc nào cũng lủi thủi nuôi con một mình, thậm chí lắm lúc còn phải nuôi cả chồng. Sau 1975, bà thất lạc hai người con gái theo gia đình hai người bạn di tản ra nước ngoài. Hơn 20 năm sau, được sự giúp đỡ của khán giả, bà tìm được con khi đi lưu diễn ở nước ngoài thì khoảng cách thời gian và sự xa lạ ở hai con cũng khiến lòng bà đau như muối xát. Với hai người con còn lại, thời bao cấp ngăn sông cấm chợ, bà vừa đi hát vừa buôn thúng bán bưng, bó thịt heo vào người để lọt qua trạm kiểm soát đem về thành phố bán kiếm tiền đong gạo cho con. Thời có thể chạy show bà đi tấu hài bán sống bán chết trên chiếc xe máy cà tàng, bất chấp hiểm nguy cướp giật, đườngxa, tối trời, băng băng xuyên đêm trên các con lộ không đèn vào các vùng sâu vùng xa heo hút từ tỉnh nọ đến tỉnh kia cũng để kiếm tiền xây nhà, mua gạo nuôi con. Đến tận bây giờ, khi con trai và con gái tại Việt Nam đều đã khôn lớn, có gia đình con cái, bà vẫn giang tay bảo bọc lo nhà lo cửa, lo công ăn việc làm mong con chí thú nên người nhưng bà vẫn không được như kỳ vọng, còn mãi nỗi buồn lo… |