Theo đó, nếu đương sự có tên, họ khác nhau trên các tài liệu, chứng cứ nộp kèm theo đơn thì phải nộp chứng cứ chứng minh những tên họ khác nhau được thể hiện đó là của cùng một người.
Nếu đương sự là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có mặt tại Việt Nam tại thời điểm nộp đơn khởi kiện thì phải có xác nhận của công an cấp xã về việc đương sự đang lưu trú hợp pháp tại Việt Nam. Nếu đương sự tạm trú dài hạn ở Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết vụ án thuộc TAND cấp huyện.
Các tài liệu nộp kèm theo đơn phải được công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc xuất trình bản chính để cán bộ tòa án đối chiếu.
Những tài liệu chứng cứ không thể cung cấp được thì phải có đơn tường trình lý do không thể cung cấp.
Các văn bản thuộc hồ sơ khởi kiện nếu được thể hiện bằng ngôn ngữ nước ngoài đều phải được dịch sang ngôn ngữ Việt Nam (do cơ quan, tổ chức có chức năng dịch thuật hợp pháp và phải kèm theo bản gốc).
Các giấy tờ, tài liệu do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp cho đương sự hoặc đơn khởi kiện được lập tại nước ngoài đều phải được hợp pháp hóa lãnh sự để chứng thực chữ ký, con dấu trên các tài liệu đó mới được công nhận giá trị pháp lý tại Việt Nam (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác).
Hồ sơ khởi kiện vụ án tranh chấp về dân sự gồm:
1. Đơn khởi kiện (phải có đầy đủ nội dung quy định tại khoản 2 Điều 164 BLTTDS).
2. Tài liệu, chứng cứ chứng minh người đứng tên khởi kiện là người có quyền khởi kiện.
2. Giấy CMND (hộ chiếu); hộ khẩu.
3. Hợp đồng (nếu tranh chấp phát sinh từ hợp đồng).
4. Giấy chứng nhận quyền sở hữu từng loại tài sản (tranh chấp tài sản).
5. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với đất tranh chấp (nếu tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất).
6. Biên bản hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất đang tranh chấp (phải đúng theo trình tự thủ tục quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014) (Đối với tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất thì không phải nộp biên bản hòa giải này).
7. Nếu tranh chấp có liên quan đến những người trong cùng một hàng thừa kế thì phải kê khai đầy đủ những người này và nộp giấy khai sinh hoặc chứng cứ chứng minh những người này là cùng một hàng thừa kế (nếu có người trong cùng một hàng thừa kế chết thì kê khai tiếp những người thừa kế theo pháp luật của người này và nộp kèm chứng cứ chứng minh là người thừa kế của họ).
8. Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh cho yêu cầu của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.
9. Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn kiện (ghi rõ số bản chính, bản sao).
Hồ sơ khởi kiện vụ án dân sự đối với những tranh chấp về kinh doanh thương mại:
1. Đơn khởi kiện (phải có đầy đủ nội dung quy định tại khoản 2 Điều 164 BLTTDS).
2. Tài liệu, chứng cứ chứng minh người đứng tên khởi kiện là người có quyền khởi kiện.
3. Tài liệu về tư cách pháp lý của người khởi kiện và của các đương sự có liên quan khác như giấy phép, quyết định thành lập doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; điều lệ hoạt động, quyết định bổ nhiệm, giấy ủy quyền cho người đại diện doanh nghiệp (nếu có).
4. Hợp đồng (nếu tranh chấp phát sinh từ hợp đồng).
5. Biên bản bổ sung, phụ lục hợp đồng (nếu có).
6. Tài liệu về thực hiện hợp đồng (nếu có).
7. Giấy chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ (nếu tranh chấp về sở hữu trí tuệ).
8. Giấy chứng nhận quyền sở hữu công nghệ (nếu tranh chấp về chuyển giao công nghệ).
9. Các tài liệu, chứng cứ chứng minh đương sự là thành viên của công ty (nếu tranh chấp về thành viên của công ty).
10. Các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.
11. Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn kiện (ghi rõ số bản chính, bản sao).
Hồ sơ khởi kiện vụ án dân sự đối với những tranh chấp về lao động
1. Đơn khởi kiện (phải có đầy đủ nội dung quy định tại khoản 2 Điều 164 BLTTDS).
2. Tài liệu, chứng cứ chứng minh người đứng tên khởi kiện là người có quyền khởi kiện.
3. Giấy CMND (hộ chiếu); hộ khẩu.
4. Tùy thuộc vào từng loại tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, người khởi kiện nộp cho tòa án một trong các tài liệu sau đây có liên quan đến yêu cầu khởi kiện:
*) Hợp đồng lao động, quyết định chấm dứt hợp đồng lao động hoặc quyết định sa thải, thông báo cho nghỉ việc.
*) Quyết định giải quyết của chủ tịch UBND hoặc biên bản hòa giải của hòa giải viên lao động của cơ quan lao động cấp quận, huyện của Hội đồng hòa giải cấp cơ sở hoặc của hội đồng trọng tài lao động thành phố đối với những trường hợp tranh chấp lao động tập thể.
*) Biên bản hòa giải tranh chấp lao động của Hội đồng hòa giải lao động cơ sở, hòa giải viên lao động của cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp huyện hoặc tương đương đối với những tranh chấp về tiền lương.
5. Các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.
6. Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn kiện.
7. Nếu người sử dụng lao động khởi kiện thì phải nộp thêm các giấy tờ về tư cách pháp lý như giấy phép đầu tư, quyết định thành lập doanh nghiệp, giấy phép đăng ký kinh doanh, nội quy, quy chế, thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp, giấy ủy quyền nếu người đại diện theo pháp luật không tham gia tố tụng. Biên bản các cuộc họp xét kỷ luật (nếu có).
Danh sách tài liệu kèm đơn khởi kiện (Đánh số thứ tự theo từng tài liệu nộp kèm đơn khởi kiện)
Chú ý: Đối với Những tài liệu chứng cứ không thể cung cấp được thì phải có đơn tường trình lý do không thể cung cấp.