Hủy án vụ bắt cóc để chiếm đoạt tài sản vì tòa xử quá nhẹ

(PLO)- Các bị cáo phạm tội có tổ chức, đánh, bắt, trói, nhốt bị hại trong thời gian dài nhưng hai cấp tòa tuyên án quá nhẹ, không đủ răn đe.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VKSND Tối cao vừa ra thông báo rút kinh nghiệm vụ Trần Văn Nam và đồng phạm phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bắc Ninh.

Năm 2018, Nam cho anh Lưu Mạnh Tuấn vay 150 triệu đồng. Do nhiều lần đòi nợ không được và anh Tuấn vào làm việc tại TP.HCM nên Nam mượn tài khoản Zalo của Nguyễn Diệu Linh kết bạn và rủ anh Tuấn ra Hà Nội rồi bắt giữ người để đòi nợ.

Sau khi hẹn được anh Tuấn, Nam rủ Linh, Nguyễn Quang Trường, Nguyễn Văn Đắc, Phan Văn Quyền tham gia bắt anh Tuấn để đòi nợ. Nam chuẩn bị ba gậy rút, một bình xịt hơi cay, một còng số 8 để hành động.

Chiều 15-1-2019, Đắc gọi điện thuê xe taxi của Trịnh Anh Tùng để đưa mọi người ra sân bay Nội Bài. Trên đường đi, cả nhóm bàn bạc cách thức bắt giữ anh Tuấn nên Tùng biết việc họ sẽ làm.

Tối cùng ngày, Linh đón được anh Tuấn và thuê xe taxi đi theo hướng Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Tùng chở nhóm Nam theo sau.

Xe taxi chở Linh và anh Tuấn đi được khoảng 15km thì dừng lại. Nhóm của Nam chạy tới, mở cửa xe, dùng bình xịt hơi cay, gậy tấn công, dùng còng số 8 khóa một tay anh Tuấn vào gầm ghế lái, trùm đầu anh Tuấn và yêu cầu lái xe taxi đi về hướng Bắc Ninh.

Anh Tuấn được đưa về nhà kho tập kết phế liệu của Trường ở huyện Yên Phong. Tại đây, nhóm này trói chân tay, dùng băng dính bản rộng bịt miệng anh Tuấn, tay phải khóa bằng còng số 8 buộc với dây xích vào cột sắt trong kho để anh Tuấn không bỏ trốn và không tự tử được.

Trưa hôm sau, Nam đưa điện thoại, nói anh Tuấn gọi cho người nhà chuyển tiền trả nợ. Anh Tuấn gọi điện cho người nhà nói đang nợ tiền, bị bắt, đánh, trói, nhờ vay tiền cứu mình nhưng gia đình không có tiền gửi.

Không thấy người nhà anh Tuấn chuyển tiền, Quyền dùng điếu cày đập vào vùng đầu gối phải của anh này. Nam cầm bình cứu hỏa ném về phía anh Tuấn và đạp vào chân trái anh Tuấn.

Nhóm này tiếp tục bắt trói, thay nhau canh giữ anh Tuấn đến trưa 19-1-2019 thì Đắc đưa anh Tuấn đến trụ sở công an đầu thú. Những người còn lại cũng lần lượt ra đầu thú.

Bản án sơ thẩm ngày 8-10-2019 của TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên phạt Nam 42 tháng tù, Quyền và Đắc cùng 36 tháng tù, về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Cả ba kháng cáo đề nghị xem xét lại tội danh, giảm nhẹ hình phạt và cho hưởng án treo.

Ngày 30-10-2020, TAND Cấp cao tại Hà Nội xử phúc thẩm, chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, phạt Nam, Quyền 24 tháng tù; Đắc 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, Linh, Trường, Tùng 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Tháng 8-2021, Viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị hủy cả hai bản án sơ và phúc thẩm về phần trách nhiệm hình sự để xét xử sơ thẩm lại theo hướng tăng hình phạt và không cho hưởng án treo đối với các bị cáo chủ mưu, cầm đầu và thực hành tích cực trong vụ án.

Tháng 10-2022, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao chấp nhận kháng nghị, tuyên hủy hai bản án để xét xử sơ thẩm lại.

Theo VKSND Tối cao, Nam và các đồng phạm thực hiện hành vi đánh, bắt, trói, nhốt anh Tuấn trong khoảng thời gian dài, gây áp lực để chiếm đoạt số tiền 150 triệu đồng.

Tội phạm hoàn thành ngay khi các bị cáo thực hiện việc đánh, bắt, giam giữ anh Tuấn và gây áp lực, yêu cầu gọi điện thoại về cho gia đình chuyển tiền trả nợ.

Các bị cáo đã có sự câu kết chặt chẽ, cùng bàn bạc, chuẩn bị, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể và thay phiên nhau để canh giữ bị hại. Do đó, các bị cáo phải bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “có tổ chức” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 169 BLHS.

Tuy nhiên, ở cấp sơ thẩm, cơ quan tố tụng chỉ áp dụng một tình tiết định khung quy định tại điểm e khoản 2 Điều 169 BLHS để truy cứu trách nhiệm hình sự các bị cáo là thiếu sót, không đánh giá đầy đủ tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà các bị cáo thực hiện.

Tòa phúc thẩm không phát hiện ra sai lầm của cấp sơ thẩm để khắc phục, lại nhận định “tình tiết tăng nặng định khung quy định tại điểm e khoản 2... là tình tiết xác định người phạm tội đã chiếm đoạt được bao nhiêu tài sản (trị giá tài sản) và đó chính là tình tiết tăng nặng định khung tương ứng của điều luật”.

Đồng thời, tòa cho rằng các bị cáo chưa chiếm đoạt tiền của bị hại nên hành vi phạm tội mới chỉ thỏa mãn cấu thành cơ bản của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 169 BLHS. Đây là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng quy định của BLHS.

Việc tòa sơ thẩm áp dụng Điều 54 BLHS, quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 169, gần mức khởi điểm của khung hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 169 là đánh giá không đúng tính chất hành vi phạm tội của các bị cáo.

Từ đó dẫn đến mức hình phạt quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội mà các bị cáo đã thực hiện, không đảm bảo mục đích răn đe, phòng ngừa của hình phạt.

Khi xét xử phúc thẩm, HĐXX tiếp tục nhận định theo hướng có lợi để giảm hình phạt cho tất cả các bị cáo, đồng thời cho Đắc được hưởng án treo là không nghiêm minh, không khắc phục được vi phạm của cấp sơ thẩm, mà còn vi phạm nghiêm trọng hơn…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm