Hy hữu vụ ly hôn đòi tòa bắt hết cá dưới hồ lên chia

(PLO)- Sau khi thẩm phán hòa giải, hai đương sự đã vui vẻ chấp nhận phương án xử lý của tòa, không bắt cá dưới hồ lên chia.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày qua, người dân Hà Tĩnh xôn xao vụ ly hôn hy hữu yêu cầu tòa án phân chia tài sản chung là cá đang nuôi dưới hồ.

Theo TAND huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), đầu năm 2022, tòa này nhận được đơn của chị PTA về việc yêu cầu ly hôn với chồng là anh NXĐ (cùng trú huyện Thạch Hà).

Trụ sở TAND huyện Thạch Hà.

Trụ sở TAND huyện Thạch Hà.

Trong đơn, người vợ nêu lý do ly hôn là do chồng thiếu quan tâm, chăm sóc gia đình, lại thường xuyên bạo hành vợ.

Chị A yêu cầu phân chia khối tài sản chung mà hai vợ chồng tạo lập được là đất ở và một thửa đất thuê của nhà nước để nuôi trồng thủy hải sản. Trong đó, có hai tấn cá trong hồ đang nuôi cũng phải chia sòng phẳng, công bằng.

Đơn của chị A được TAND huyện Thạch Hà tiếp nhận, thụ lý. Thẩm phán Nguyễn Khắc Hoàn - Phó Chánh án TAND huyện Thạch Hà là người được phân công phụ trách vụ án ly hôn này.

Sau khi hòa giải bất thành, tháng 9-2022, TAND huyện Thạch Hà mở phiên xử. Việc giải quyết nuôi con chung của chị A và anh Đ được giải quyết ổn thỏa nhưng phần phân chia tài sản thửa đất thuê của nhà nước để nuôi trồng thủy hải sản và số cá trong hồ gặp khó khăn.

Chị A yêu cầu tòa chia “sòng phẳng” là chia đều thửa đất cho năm thành viên trong gia đình và chia đôi tài sản trên đất cho các bên được hưởng.

Anh Đ không đồng ý cách chia trên bởi cho rằng thửa đất do anh trả tiền thuê hằng năm và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên anh. Anh Đ chỉ chấp thuận việc chia đôi tài sản trên đất.

HĐXX nhận định thửa đất thuê nuôi cá là anh Đ thuê trong thời kỳ hôn nhân nên là tài sản chung của vợ chồng. Còn ý kiến của đại diện Phòng TN&MT huyện Thạch Hà cho rằng đất nhà nước cho cá nhân thuê không thể đem chia tách để cấp giấy chứng nhận cho từng cá nhân riêng lẻ.

Từ đó, HĐXX chỉ xem xét giá trị tài sản trên đất, trong đó có số cá (cá trắm, cá chim…) đang nuôi. Tuy nhiên, cá lặn sâu dưới hồ thì tòa khó đong đếm đưa ra chia.

Thẩm phán nhận định nếu phải thành lập hội đồng thẩm định giá cá đang ở dưới hồ thì việc này cũng gặp khó khăn. Thẩm phán đã trực tiếp xuống khảo sát hồ, gặp những người nuôi cá để “tham khảo” và tính toán cho thấy nếu tát cạn hồ, thuê người đánh bắt cá lên phân chia cũng dễ gặp rủi ro. Trong khi chị A lúc thì nói dưới hồ có 5 tấn cá, lúc lại nói có 2 tấn.

Với kinh nghiệm 17 năm công tác trong ngành tòa án, bảy năm là thẩm phán, ông Hoàn đã cố gắng tính toán, ghi chép cẩn thận rồi đưa ra số liệu hợp lý để hòa giải phân chia cá giữa chị A và anh Đ.

Sau nhiều buổi hòa giải, phân tích, chị A và anh Đ thống nhất “không tát cạn hồ để bắt cá lên chia” mà đưa ra thỏa thuận lượng cá dưới hồ là 1 tấn với giá bán là 30.000 đồng/kg. Anh Đ được tiếp tục quản lý thửa đất thuê và phải đưa lại tiền nửa tấn cá cho chị A.

Theo thẩm phán Hoàn, đây là lần đầu ông bắt gặp tình huống hy hữu như vậy. Khi tòa đưa ra phương án xử lý, hai đương sự đều vui vẻ và cảm ơn tòa đã xử lý hợp tình hợp lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm