Kênh thanh toán số nào đang lên ngôi?

(PLO)- Thanh toán số của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng giá trị giao dịch vô cùng ấn tượng, từ 126 tỉ USD vào năm 2023 lên 149 tỉ USD vào năm 2024.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đây là số liệu vừa được đưa ra tại báo cáo e-Conomy SEA 2024 của Google, Temasek và Bain & Company.

Mới đây, Payoo vừa công bố báo cáo hoạt động thanh toán điện tử năm 2024 qua nền tảng thanh toán này. Trong đó, đơn vị này khẳng định cùng với tăng trưởng của thanh toán số, hành vi thanh toán của người dùng cũng thay đổi.

Đáng chú ý, người tiêu dùng không chỉ dịch chuyển từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán không tiền mặt, mà ngay trong phạm vi không tiền mặt, những hình thức thanh toán mới cũng đang lan tỏa rộng rãi trong khi thanh toán điện tử truyền thống dần thu hẹp.

Thanh toán không tiếp xúc tăng trưởng "nóng"

Trong báo cáo thanh toán năm 2024, nền tảng thanh toán Payoo chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ trong hành vi thanh toán của người tiêu dùng. Vượt trên các phương thức khác, thanh toán QR và công nghệ NFC đã trở thành những "người dẫn đường" trong hành trình số hóa của nền kinh tế.

Thanh toán QR ghi nhận tốc độ tăng trưởng trung bình từ 8% - 10%/tháng, được sử dụng phổ biến khi mua sắm tại cửa hàng tiện lợi, siêu thị điện máy, nội thất, trang sức, đầu tư tài chính

Dữ liệu thống kê từ Payoo cho thấy giá trị giao dịch trung bình của thanh toán QR đã tăng 20% so với năm 2023. Điều này phản ánh sự thay đổi lớn, tức là thanh toán QR không còn bị xem là giải pháp thanh toán cho những giao dịch giá trị nhỏ mà đã được sử dụng linh hoạt trong những giao dịch có giá trị cao.

Thanh toán số tăng trưởng ấn tượng
Thanh toán số tăng trưởng ấn tượng. Ảnh: T.L

Bên cạnh đó, thanh toán không tiếp xúc qua NFC ghi nhận mức tăng trưởng trung bình khoảng 6%/tháng. Riêng hình thức thanh toán truyền thống (quẹt thẻ) lại giảm 2% - 3%/tháng.

Trong thanh toán không tiếp xúc, phương thức thanh toán tích hợp thẻ vào thiết bị di động của hãng Apple (gọi là Apple Pay) đang trở thành xu hướng dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, trung bình trên 15%/tháng. Trước xu hướng này, các ngân hàng đang đẩy mạnh chiến lược khai thác Apple Pay để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đồng thời tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Payoo, với thế mạnh sở hữu nền tảng khuyến mại linh hoạt và mạng lưới đối tác rộng khắp, sẵn sàng hỗ trợ ngân hàng triển khai các chương trình khuyến mại ngay khi họ có nhu cầu, giúp các ngân hàng tận dụng tối đa cơ hội giữ chân người dùng cũ và tiếp cận khách hàng mới từ xu hướng Apple Pay. Đồng thời đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng trong thời đại số.

Tăng cường bảo mật cho khách hàng

Năm 2024 là năm có khá nhiều thay đổi về các yêu cầu pháp lý liên quan đến hoạt động thanh toán không tiền mặt cũng như tăng cường bảo mật cho khách hàng. Các chính sách và quy định mới được ban hành không chỉ nhằm nâng cao tính bảo mật mà còn tạo sự thuận tiện tối đa cho người dân khi tham gia giao dịch tài chính.

Những nỗ lực này là nền tảng quan trọng để thúc đẩy niềm tin của người dân vào hệ thống tài chính số, đồng thời bảo vệ quyền lợi của họ trước những rủi ro ngày càng phức tạp từ tội phạm công nghệ.

Cụ thể, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ ngày 1-7-2024, yêu cầu xác thực khuôn mặt với các giao dịch chuyển khoản vượt quá 10 triệu đồng/lần hoặc 20 triệu đồng/ngày. Quy định này không chỉ đảm bảo tính an toàn cho giao dịch mà còn giúp ngăn chặn các hành vi gian lận tài chính.

Tiếp đó, Thông tư 50/2024 được Ngân hàng Nhà nước ban hành vào ngày 31-10-2024 quy định chi tiết về các cấp độ xác thực trong giao dịch trực tuyến. Với giao dịch có giá trị dưới 5 triệu đồng, người dùng chỉ cần xác thực mã PIN hoặc mã khóa bí mật.

Tuy nhiên, với những giao dịch có tổng giá trị lớn hơn 5 triệu và không quá 100 triệu đồng, các phương thức xác thực mạnh hơn như OTP qua SMS, Soft OTP hoặc xác thực hai kênh sẽ được áp dụng.

Ngoài ra, Thông tư 40/2024, NHNN yêu cầu các đơn vị trung gian thanh toán tuyên truyền khách hàng cập nhật thông tin CCCD và xác thực sinh trắc học trước 1-1-2025. Quy định này hướng đến việc đảm bảo tính chính chủ của tài khoản ngân hàng và ví điện tử, đồng thời nâng cao khả năng phòng chống gian lận, bảo vệ tài sản của người dân.

Lãnh đạo Payoo cho rằng những quy định pháp luật về an toàn trên kênh thanh toán số không chỉ giúp bảo vệ tài khoản ngân hàng và ví điện tử của người dân mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng một hệ sinh thái tài chính an toàn, minh bạch và bền vững. Điều này cũng tạo tiền đề cho các tổ chức trung gian như Payoo tiếp tục đồng hành, mang đến những dịch vụ thanh toán tiện lợi và an toàn hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm