Ngày 2-1, trao đổi với PLO, một lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết, vừa có công văn liên quan đến việc đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác xử lý khắc phục sạt lở mái taluy ở đường Nguyễn Tất Thành nối dài, TP Quy Nhơn.
UBND tỉnh Bình Định yêu cầu nhanh chóng triển khai khắc phục sạt lở mái taluy đường Nguyễn Tất Thành nối dài. Ảnh QN |
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến việc UBND TP Quy Nhơn tổ chức triển khai dự án quá chậm, không đạt yêu cầu, ảnh hưởng đến giao thông, mỹ quan đô thị.
Do đó, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định yêu cầu chủ tịch UBND TP Quy Nhơn tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại công văn trước đó.
Hơn 65 tỉ đồng được bố trí vào việc khắc phục sạt lở tại đường Nguyễn Tất Thành nối dài. Ảnh QN |
Đồng thời, lãnh đạo tỉnh yêu cầu khẩn trương hoàn thành các thủ tục để triển khai thi công xây dựng công trình; xây dựng các mốc tiến độ cụ thể, gắn trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực; hoàn thành dự án chậm nhất tháng 9-2023.
UBND tỉnh Bình Định cũng giao các Sở Xây dựng, TN&MT, NN&PTNT, GTVT và các cơ quan có liên quan tăng cường công tác phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn, đôn đốc UBND TP Quy Nhơn khẩn trương triển khai thực hiện; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc (nếu có).
Trước đó, UBND tỉnh Bình Định có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án xử lý khắc phục sạt lở mái taluy đường Nguyễn Tất Thành nối dài (TP Quy Nhơn) do UBND TP Quy Nhơn làm chủ đầu tư.
Tổng kinh phí của dự án hơn 65,4 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư công của UBND tỉnh là hơn 15 tỉ đồng, phần còn lại của TP Quy Nhơn.
Mục tiêu của dự án nhằm giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra, tránh sạt lở đất đá trong các mùa mưa tới, đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện khi tham gia giao thông qua khu vực này, tạo mỹ quan đô thị.
Theo đó, tiến hành gia cố mái taluy dương trên tuyến đường này như đục tẩy cục bộ một số vị trí, xử lý bề mặt mái dốc đá phạm vi xung quanh vị trí sạt lở; gia cố bề mặt mái taluy bằng hệ lưới thép sức kháng cao tích hợp lưới địa kỹ thuật, kết hợp hệ thống đinh neo thép.
Phía trên phạm vi gia cố mái taluy thiết kế rãnh đỉnh hình thang vát để thu nước từ bên ngoài vào mái taluy. Xây dựng hệ thống thu nước từ rãnh đỉnh, bậc dốc nước... để dẫn ra ngoài taluy và được đấu nối với hệ thống thoát nước hiện trạng.
Trước đó, vào tháng 10-2021, tại khu vực này đã xảy ra một vụ sạt lở núi, đất đá từ trên cao rơi xuống chắn ngang đường làm cản trở giao thông.