Khách ăn xin nhiều hệ lụy!

Hình ảnh nữ du khách nước ngoài xinh đẹp ngồi thiền xin tiền trên vỉa hè ở huyện Phú Quốc đã thu hút nhiều quan tâm trên mạng xã hội thời gian qua. Việc du khách xin tiền đang trở thành hiện tượng phổ biến ở Đông Nam Á. Trang Daily Mail tháng 4-2017 phản ánh rằng hình ảnh khách du lịch phương Tây chơi nhạc cụ hoặc bán bánh kẹo trên đường phố ở các thành phố Đông Nam Á, xin “tiền tài trợ” cho các chuyến du lịch dài ngày hoặc mua vé máy bay về nhà, đang ngày càng phổ biến thời gian gần đây.

Xin tiền du lịch gây phản cảm

Theo tờ The Telegraph (Anh), những hình ảnh khách Tây ba lô xin tiền đã không còn mấy lạ lẫm tại nhiều thành phố lớn ở Đông Nam Á như Bangkok hay Singapore. Người ta có thể dễ dàng bắt gặp các tấm biển được viết cả bằng tiếng Anh và tiếng địa phương với các nội dung đại loại như: “Tôi cần thêm tiền cho chuyến du lịch của mình”, “Tôi đang có dự định đi du lịch khắp thế giới, các bạn có thể giúp tôi không?”, “Hãy ủng hộ cho chuyến du lịch đi khắp thế giới của chúng tôi”…

Những bức ảnh chụp lại các khách Tây ba lô “ăn xin” trên đường phố được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội và gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều người dân ở các nước Đông Nam Á và cả phương Tây đã lên tiếng chỉ trích hiện tượng du khách ngửa tay xin “tài trợ” cho các chuyến du lịch của mình. Trả lời kênh truyền hình France 24 sau khi bắt gặp hình ảnh du khách xin tiền để du lịch, cô Maisarah Abu Samah (Singapore) cho rằng việc xin tiền là không có gì đáng tự hào mà chỉ những người thật sự cùng đường vì không có miếng ăn mới cần đến. cô cũng phản đối hành động xin tiền để du lịch, vốn được người dân các nước Đông Nam Á xem là xa xỉ.

Thậm chí đã có những trường hợp bị lật tẩy là lừa đảo xin giúp đỡ nhưng thực chất lại là ăn xin chuyên nghiệp. Khét tiếng nhất là nhân vật Benjamin Holst - một khách du lịch người Đức đã đi ăn xin trên khắp các đường phố ở Thái Lan, Hong Kong, Philippines, Campuchia và Indonesia với đôi chân bị phù nề nặng trong ba năm vừa qua. Xin tiền chữa bệnh và hồi hương vào ban ngày nhưng về đêm Holst thường xuyên chia sẻ lên Facebook cá nhân những bức ảnh ăn tối tại nhà hàng, uống bia ở phố Tây và vui vẻ bên những cô gái phục vụ mát mẻ.

Ở Singapore, cảnh tượng ăn xin của khách du lịch phương Tây trên đường phố. Ảnh: TWITTER

Xu hướng xa xỉ?

Nữ PV Radhika Sanghani của tờ The Telegraph cho rằng tư duy “năm để nghỉ ngơi” (Gap Yah) của thế hệ những người trẻ tại phương Tây cũng là một yếu tố dẫn đến tình trạng một số du khách phương Tây “ăn xin để du lịch” này ở Đông Nam Á. Cô cho rằng việc đã quen với mức sống và lối sống của phương Tây, được hưởng những đặc quyền xã hội ở các nước phương Tây đã khiến nhiều người trẻ không nhận thức hết được sự khác biệt về mức sống ở nhiều nước thu nhập thấp. “Có một sự khác biệt lớn giữa việc bị mất điện thoại đắt tiền và không có gì để ăn. Nhiều người nghĩ bán vài tấm bưu thiếp để kiếm vài đồng bảng Anh sẽ mang về cho họ một câu chuyện du lịch thú vị. Nhưng họ không nhận ra rằng họ đang cạnh tranh với chính những người dân địa phương cần tiền hơn họ rất nhiều” - Sanghani nhận định.

Radhika Sanghani cho rằng tư duy nghỉ ngơi khiến cho nhiều người trẻ ở phương Tây đã tiêu xài tiền không hợp lý, phung phí cho những bữa ăn và hoạt động đắt đỏ. Theo cô, những du khách hết tiền có nhiều sự lựa chọn về công việc tại địa phương để kiếm thu nhập chứ không phải chỉ còn nước đi ăn xin. Việc xin tiền để đi du lịch xa xỉ như vậy, theo Radhika Sanghani, là một hành động thiếu thực tế và phản cảm.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng việc xin tiền hay trình diễn ngoài đường phố để kiếm tiền của du khách nước ngoài là không đáng lên án. Trả lời tờ The Independent, chủ nhân trang blog du lịch Broke Backpacker (Du lịch bụi rỗng túi) Will Hatton cho rằng: “Mặc dù việc xin tiền để đi du lịch không được ủng hộ mấy, những hoạt động như trình diễn trên đường phố hay bán đồ thủ công bên vệ đường thật ra cũng không sai trái hay quá lạ lẫm gì. Có những người chọn cách này để du lịch và trải nghiệm vòng quanh thế giới. Việc chia sẻ một tài năng hay bán một món hàng nào đó cũng không hại ai. Tôi nghĩ rằng nhiều người không thể hiểu được kiểu sống của những người thích du lịch bụi nên mới chỉ trích cực đoan. Nhưng với vài người, du lịch chỉ với vài USD/ngày còn đáng sống hơn chôn chân một chỗ”.

Cô gái Nga ngồi thiền và xin tiền ở Phú Quốc.  Ảnh: FACEBOOK

Xu hướng kêu gọi gây quỹ tài trợ các chuyến du lịch trên mạng xã hội hiện được phổ biến rộng rãi. Ảnh: FRANCE 24

Biến tướng du lịch để… xin tiền

Điều kỳ lạ là trong khi có những vị khách du lịch xin tiền để tài trợ cho các chuyến đi của mình thì lại có những người chỉ đi du lịch đến một đất nước giàu có và giả trang thành người hành khất để xin ăn. Hiện tượng này thường được thấy xảy ra ở Dubai, một thành phố giàu có và thịnh vượng ở khu vực Trung Đông. Theo báo cáo của cảnh sát Dubai năm 2016, lực lượng này đã từng bắt được hơn 59 người ăn xin chuyên nghiệp, trong đó họ đã bắt giữ một người có thu nhập lên đến 73.500 USD/tháng nhờ vào việc hành nghề xin ăn tại đây.

Trong số đó đã có những người có hộ chiếu được cấp visa theo diện kinh doanh hoặc du lịch. Đặc biệt, trong chiến dịch truy quét ăn xin tại Dubai, lực lượng cảnh sát phát hiện rằng đa số người ăn xin này đều nhập cảnh hợp pháp với visa gia hạn thời gian đến ba tháng, tạo điều kiện cho họ hành nghề được càng nhiều tiền trong thời gian họ cư trú ở đây.

Thị trấn Devon (Anh) cũng trở thành địa điểm thu hút cho những khách du lịch đến ăn xin và có những người đã kiếm được đến 35.000 bảng Anh chỉ trong vòng một năm hành nghề. Thị trưởng Rosie Adams cho biết hiện nay thị trấn của bà đã thu hút rất nhiều người đến từ nhiều nơi để xin ăn, theo tờ The Telegraph.

“Tôi rất ghét phải nói điều này nhưng chúng tôi đang phải đối mặt với các nạn du khách ăn xin tại đây. Họ đến từ khắp mọi nơi và quấy rối những người dân địa phương tại thị trấn này. Ở nơi đây không bao giờ sợ đói. Họ cũng không cảm thấy bị đe dọa bởi cuộc sống bình yên. Vì vậy nơi này tất nhiên trở thành một địa điểm lý tưởng để những du khách xin ăn đến hành nghề” - bà Adams chia sẻ.

Cảnh sát ở thị trấn này cho biết những người ăn xin tại đây có thể kiếm được đến 100 bảng Anh một ngày và thường xuyên làm phiền, quấy rối những người đi đường. Tồi tệ hơn, rất nhiều người ăn xin ở Devon thường nghiện ma túy và trong số đó rất nhiều người giả làm người vô gia cư. Đa số du khách ăn xin này đều ra vẻ lang thang vào ban ngày nhưng thường trở về nhà nghỉ vào buổi tối.

Chính quyền ở thị trấn Devon đã nhận được khá nhiều than phiền về việc liên tục bị quấy rối và bị đe dọa bởi những người ăn xin này và đã chủ trương tiến hành các biện pháp cần thiết để hạn chế vấn nạn này.

Hiện nay xu hướng thành lập các quỹ tài trợ cho các hoạt động du lịch cũng đang trở nên thịnh hành trên mạng xã hội. Những người có dự định đi du lịch sẽ thành lập các quỹ riêng của họ và lợi dụng lòng hảo tâm của nhiều người với mục đích gây quỹ cho các chuyến đi du lịch xa xỉ.

Văn hóa “xin tiền” một cách thoải mái này xuất hiện cùng thời điểm bùng nổ của lối sống du lịch xa hoa thường được đăng tải trên các tài khoản xã hội và các bài blog du lịch với hàng ngàn bức ảnh của các chuyến đi tới các địa điểm du lịch nổi tiếng nhằm mục đích tạo cảm hứng khám phá cho người xem. Một phụ nữ Mỹ tên Becca Gronski cũng từng bị tẩy chay bởi cộng đồng mạng nước này sau khi thực hiện chiến dịch GoFundme quyên góp số tiền lên đến 10.000 USD cho hành trình tâm linh của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm