Khai thác dầu khí, đến lúc cần thêm cơ chế ưu đãi đặc biệt

(PLO)- Nhiều mỏ dầu khí, nhất là mỏ cũ ở Việt Nam đến nay thuộc diện khó khai thác hoặc mang tính tận thu, giá trị thương mại thấp. Như vậy cần thêm cơ chế ưu đãi mới thu hút được nhà đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Luật Dầu khí được đưa ra Quốc hội hôm nay, 3-6, để sửa đổi toàn diện, trong đó có một nội dung như Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên lưu ý là bổ sung nguyên tắc xác định các lô dầu khí được hưởng các chính sách “ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt”.

Về ưu đãi đầu tư, dự thảo giữ nguyên quy định hiện hành: Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 32%, thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô 10%. Ngoài ra, tỷ lệ thu hồi chi phí áp dụng cho nhà đầu tư, được tính tương đương 70% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm.

Còn chính sách ưu đãi đặc biệt thì: Thuế thu nhập doanh nghiệp giảm còn 25%, thuế xuất khẩu dầu thô còn 5%. Tỷ lệ thu hồi chi phí được nâng lên 80% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên

Thảo luận tại tổ, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo cho hay sản lượng khai thác, trữ lượng dầu thô các mỏ trong nước những năm gần đây đang giảm dần, giảm sâu. Vậy nên đề xuất của Chính phủ sửa đổi Luật Dầu khí theo hướng có cơ chế ưu đãi đặc biệt thu hút đầu tư, đẩy mạnh khai thác là cần thiết.

Tuy nhiên ông băn khoăn “mức thu hồi chi phí tối đa 80% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm”.

Đây là thông lệ quốc tế trong tính toán phân chia lợi ích, chi phí giữa nhà đầu tư khai thác dầu khí và quốc gia có mỏ. Với mỏ mới, trữ lượng lớn, chi phí khai thác thấp, sản lượng khai thác hàng năm cao thì chỉ cần tỷ lệ thấp cũng có thể hấp dẫn nhà đầu tư. Nhưng với các mỏ đã khai thác nhiều năm, sản lượng giảm, không còn hiệu quả thương mại thì nhà đầu tư có thể bỏ đi.

Về mặt kỹ thuật, một mỏ đang khai thác mà kéo giàn đi thì coi như mỏ đấy bỏ. Vậy nên, ông Bảo không chắc tỷ lệ 80% như dự thảo liệu đã đủ mạnh để níu kéo nhà đầu tư ở lại tận thu.

Doanh nghiệp nội cần chính sách trợ lực

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhận xét trong lĩnh vực dầu khí, lựa chọn giải pháp đấu thầu thì khả năng cao đi đến chỉ định thầu. Bởi có những lô dầu khí không ai muốn khai thác, thậm chí muốn cũng không làm được, nếu nằm ở những vị trí đặc biệt khó khăn.

Từ thực tế ấy, ông Cường đề nghị luật quy định kỹ hơn về chỉ định thầu. Hướng là ưu tiên cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, và những đối tác ngoại đã và đang khai thác hiệu quả, có kinh nghiệm trong quá trình hoạt động dầu khí tại Việt Nam.

Đến từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, địa phương có nền kinh tế gắn liền với ngành dầu khí, ĐB Nguyễn Thị Yến - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thể hiện sự hiểu biết của mình với lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật phức tạp này.

Bà Yến đề nghị phân chia rõ nhóm dịch vụ dầu khí nào các nhà thầu trong nước có năng lực thực hiện, nhóm nào khuyến khích nhà thầu nước ngoài tham gia. Tinh thần là khuyến khích, bảo vệ ngành dịch vụ dầu khí nội địa. Đồng thời có chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ dầu khí, tránh phụ thuộc nước ngoài.

Theo ĐB Yến, trong hoạt động khai thác ngoài khơi, Việt Nam đã có một số nhà thầu, tổ hợp nhà thầu đủ khả năng làm chủ công nghệ để tham gia đấu thầu quốc tế, cạnh tranh được với một số nhà thầu trong khu vực.

Tuy nhiên, mảng công nghiệp dầu khí trên bờ, nước ta chưa có nhà thầu nào tự chủ về công nghệ, đủ năng lực tổng thầu thiết kế, mua sắm, thi công xây dựng hoàn thiện. Do đó khoảng 80% giá trị các gói thầu trong lĩnh vực này là do các tổng thầu quốc tế đảm nhận. Nhà thầu nội chỉ tham gia các gói thi công xây lắp giá trị thấp, ít có cơ hội nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật.

"Vì vậy cần phải có chính sách bảo hộ dịch vụ dầu khí nội địa, có lộ trình chung để phát triển năng lực khoa học kỹ thuật công nghệ quốc gia, giúp cho ngành dầu khí dần gỡ bỏ tiềm thức chỉ làm gia công, thi công, chế tạo đơn thuần và đưa các doanh nghiệp trong nước lên làm chủ về công nghệ, tiệm cận với cuộc cách mạng công nghiệp hiện đại", ĐB Yến đề nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm