Hẳn ai trong chúng ta cũng từng nghe xem hay nghe đến tên bộ phim trinh thám, cổ trang nổi tiếng Trung Quốc - Bao Thanh Thiên. Hình tượng vị quan thanh liêm, mặt đen đồng hành cùng Triển Chiêu và Công Tôn Sách phá án đã khắc sâu vào tâm trí nhiều thế hệ người xem.
Bài viết dưới đây sẽ bật mí cho các bạn biết về thân thế thực sự của "bộ ba thép" này.
1. Bao Thanh Thiên
Hình tượng Bao Thanh Thiên được dựng lên từ một nhân vật có thật trong lịch sử - Bao Chửng (999 - 1062), tự Hy Nhân.
Ông còn được gọi bằng rất nhiều tên khác như Bao Thanh Thiên, Bao Hắc Tử, Bao Long Đồ... Ông nổi tiếng là một vị quan “thanh liêm, chấp pháp nghiêm chỉnh, không khiếp sợ quyền uy hay vị nể tư tình” dưới thời hoàng đế Tống Nhân Tông (1022 - 1063).
Theo truyền thuyết, ông là Văn Khúc Tinh Quân trên trời giáng trần để phò tá nhà vua, phục vụ đất nước. Theo đó, ông không chỉ đảm nhận việc xử án trên dương gian, buổi tối ông còn là quan lại chịu trách nghiệm dưới âm phủ.
Chính vì thế mà hình tượng Bao Thanh Thiên được khắc họa với vết sẹo Mặt trăng trên trán - biểu thị cho ánh trăng công lý luôn tỏa sáng dù ở những nơi tăm tối nhất.
Bao Thanh Thiên nổi tiếng là một vị quan liêm khiết, được dân chúng ủng hộ.
Tuy nhiên tất cả chỉ là hình tượng được cường điệu hóa do chịu ảnh hưởng của Kinh Kịch và truyền thuyết. Trên thực tế, Bao Chửng là một vị quan với ngoại hình bình thường, không có mặt đen hay sẹo hình trăng. Ông nổi tiếng với sự thanh liêm chính trực không sợ cường quyền của mình.
Theo những tài liệu lịch sử ghi lại thì trong 30 năm cống hiến cho triều đình, ông đã buộc hơn 30 vị quan có chức sắc phải từ chức vì tội tham nhũng, hối lộ làm nhũng loạn triều đình. Trong số đó có có những vị quan được Hoàng Thượng yêu quý hay thậm chí cả tể tướng.
Hình tượng Bao Chửng trong bộ phim Bao Thanh Thiên.
Với cuộc đời chính trực thanh khiết, ông được coi như hình mẫu mà mọi quan chức Trung Hoa thời bấy giờ hướng tới. Bao Thanh Thiên trở thành đại diện cho cái thiện và xuất hiện thường xuyên hơn trong những tác phẩm Kinh Kịch của Trung Quốc.
2. Triển Chiêu - Triển hộ vệ
Luôn bên cạnh bảo vệ và giúp đỡ Bao Chửng phá án là những trợ thủ đắc lực, một trong số đó là Triển hộ vệ - Triển Chiêu. Trong phim, Triển Chiêu đảm nhiệm vị trí trưởng đội hộ vệ bảo vệ sự an toàn của Bao Chửng.
Triển Chiêu cùng với Công Tôn Sách là hai trợ thủ đắc lực và thân thiết nhất của Bao Thanh Thiên. Trong một số tài liệu, hình tượng Triển Chiêu được cho là lấy cảm hứng từ hình tượng người anh hùng nổi tiếng có thật trong truyền thuyết.
Được cho là một nhân vật sống dưới thời hoàng đế Tống Nhân Tông (1022 - 1063), Triển Chiêu tự Hùng Phi là một cấm vệ binh của triều đình. Nhiều nguồn cho rằng, ông là một vệ binh xuất chúng trong triều nên được phong là Ngự tiền tứ phẩm đới đao hộ vệ (hay Triển hộ vệ).
Triển Chiêu là trợ thủ đắc lực của Bao Thanh Thiên.
Dù được đề cập tới nhưng các tài liệu lại không lưu lại hình ảnh thật của Triển Chiêu, anh cũng không được đề cập quá nhiều trong sử sách. Tuy nhiên, Triển Chiêu được biết đến nhiều thông qua các phương tiện văn hóa dân gian cũng như phim ảnh với biệt danh “ngự miêu”.
Với khả năng võ thuật cao cường nên Triển Chiêu được phong là Ngự tiền tứ phẩm đới đao hộ vệ.
Đó là bởi ông nổi tiếng với khả năng võ thuật cao cường và kiếm pháp bậc nhất vào thời bấy giờ. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những tranh cãi xung quanh tính xác thực của hình tượng này.
3. Công Tôn Sách
Nhân vật còn lại của bộ ba này là Công Tôn Sách. Ông được biết đến trong phim là người cố vấn của Bao Chửng. Hình tượng Công Tôn Sách được miêu tả trong phim là một nhà chiến lược vô cùng thông minh và am hiểu y dược. Ông thường cải trang thành thầy thuốc để đi thăm dò tìm hiểu tình hình.
Hình tượng nhân vật Công Tôn Sách trong phim Bao Thanh Thiên.
Tuy là một trong những nhân vật cốt cán của truyện, Công Tôn Sách lại không gây được nhiều ấn tượng với người xem như hai nhân vật còn lại. Trên thực tế, không có tài liệu lịch sử nào ghi chép lại về sự tồn tại của nhân vật này trong đời thực.
Do đó có thể suy ra rằng, cũng giống như các nhân vật Vương Triều, Mã Hán, Trương Long, Triệu Hổ, hình tượng Công Tôn Sách là hư cấu được tác giả dựng lên nhằm giúp đỡ Bao Chửng trong việc phá án.
Theo trí thức trẻ