Nhu cầu sửa sang nhà cửa mới mẻ, sạch sẽ để đón tết là rất phổ biến. Tuy nhiên, càng giáp tết, nhiều người dân cho biết họ rất khó khăn trong việc gọi công ty dịch vụ sửa chữa nhà. Thậm chí các thợ tự do cũng “đắt show” không kém.
Phải đặt hàng trước rất lâu
“Tôi định sơn lại nhà nhưng vẫn chưa kiếm được thợ. Có ông thợ quen ở xóm hay nhận sơn nhà, sửa cửa, lát gạch… nhưng mấy hôm nay ông ấy bận công trình nên chưa nhận lời” - bà Nguyễn Thị Nghiệp, nhà ở đường Hưng Phú, quận 8 (TP.HCM) cho biết.
Ngay đầu hẻm nhà bà Nghiệp, một công trình sửa nhà cũng vừa hoàn thiện do gia chủ đặt trước với nhà thầu cả tháng. Bà Lan, một giáo viên, nhà ở đường Đinh Đức Thiện, huyện Bình Chánh, bật mí: “Để nhà đẹp hơn và tránh kẹt thợ, tôi tranh thủ đặt trước nhóm thợ quen để lát đá hoa cương. May mắn đến nay công trình gần xong. Kinh nghiệm trong việc này là làm trước tết khoảng một, hai tháng để không bị thiếu thợ và ép giá”.
Với lượng khách lớn dồn vào cuối năm, không chỉ các nhóm nhà thầu nhỏ mà cả các công ty lớn cũng trong tình trạng quá tải. Trả lời một khách hàng trong trạng thái vội vã, ông Thoại, nhân viên Công ty Thiết kế xây dựng An Phúc (quận 1), cho biết: “Tôi sẽ kiểm tra lại xem có rút thợ về làm kịp cho anh không. Trong tuần này may ra còn kịp vì tết rất nhiều khách đặt. Giá sơn nhà khoảng 80.000 đồng/m2 nhưng nhà lớn quá cũng sẽ không đủ thợ làm”.
Không chỉ kiếm thợ khó khăn mà giáp tết giá cả vật liệu, tiền nhân công cũng tăng hơn trước. Nhiều đơn vị sửa chữa nhà cho biết giá dịch vụ năm nay tăng 5%-20% do một số nguyên liệu đầu vào của ngành xây dựng lên giá.
Giá sơn (đã tính công thợ) nhiều nơi cũng tăng thêm 15.000-20.000 đồng/m2; thi công trần thạch cao từ 210.000 đồng/m2 lên 300.000 đồng/m2. Giá sơn chống thấm pha thêm màu đang bán chạy nhất tại các cửa hàng vật liệu xây dựng, giá 2-4 triệu đồng/thùng 18 lít.
Riêng về giá nhân công, khảo sát hiện nay với nhiều nhà thầu cho thấy ngày công bình thường, thợ sơn nhà chỉ khoảng 18.000 đồng/m2 nhưng cách đây một tháng đã tăng lên 30.000 đồng/m2, công trình phức tạp hơn giá lên đến 35.000 đồng/m2. Giá nhân công ốp gạch tường, lát gạch nền nhà tăng từ 65.000 đồng/m2 lên 80.000 đồng/m2…
“Đây là giá thi công trong nhà, ngoài trời giá nhân công còn cao hơn. Giá trên chỉ áp dụng trong điều kiện sơn trên bề mặt bình thường, đối với những công trình có địa hình thi công phức tạp, biệt thự, mái khác biệt thì phải khảo sát kỹ mới dám nhận” - một nhà thầu ở huyện Bình Chánh tư vấn.
Càng gần tết, nhiều người dân cho biết họ rất khó khăn trong việc gọi công ty dịch vụ sửa chữa nhà. Ảnh: HOÀNG GIANG
Khách hàng có thể bị ép giá
“Cuối năm chúng tôi chạy vắt chân lên cổ cũng không kịp. Vừa hết công trình này thì phải chạy qua công trình khác, thợ cũng phải huy động nhiều nơi. Tôi có 10 thợ mà vẫn không làm hết việc” - ông Thanh Tùng, quản lý mảng xây dựng của Công ty TNHH Đo đạc thiết kế và xây dựng Huy Khánh, chia sẻ.
Theo ông Tùng, kinh nghiệm khi chủ nhà đặt hàng nhà thầu, công ty xây dựng nên hỏi kỹ giá và đưa ra các hạng mục càng chi tiết càng tốt. Ví dụ như sơn nhà thì có cần sủi tường hay không, hay sơn đè lên lớp cũ… để được báo giá và tính toán hợp lý. Các gia đình nên chọn thời gian sửa nhà trước tết khoảng 1-2 tháng, lúc này các chi phí chưa tăng giá và sửa xong đến tết nhà vẫn mới, đẹp.
Ông Nguyễn Văn Công, kỹ sư xây dựng Công ty Xây dựng Trường Phát, phân tích tâm lý, thói quen của người Việt ai cũng muốn nhà đẹp để đón tết, đón may mắn. Do đó, giai đoạn cuối năm hầu như các thợ đều kín lịch, dẫn đến tình trạng quá tải và bị thợ làm giá.
“Nhiều chủ nhà bị thợ hét giá cao hoặc bị từ chối vì công trình nhỏ. Vì vậy, nếu có nhu cầu sửa nhà đón tết gia chủ cần phải cân nhắc thời gian hợp lý, làm càng sớm càng tốt. Ngoài ra, nên chọn lọc, sửa có trọng điểm, không làm tràn lan, vừa tốn kém lại dễ gặp phải những rủi ro về chất lượng” - ông Công khuyến cáo.
Bốn kinh nghiệm tân trang, sửa nhà cuối năm - Lập danh mục sửa chữa: Chủ nhà cần lập danh sách cụ thể để chủ động thời gian, chi phí và việc sửa chữa được hiệu quả. Với những hạng mục còn băn khoăn, có thể tham khảo thêm người trong nghề để có phương án tối ưu. - Dự trù chi phí: Nên gọi cho nhiều nhà thầu nhờ tư vấn, khảo sát công trình và lên bảng giá. Sau đó so sánh để lựa chọn trên cơ sở chất lượng nguyên vật liệu, thời gian hoàn thành, trình độ thợ… chứ không phải giá rẻ là tốt nhất. - Lựa chọn nhà thầu, đơn vị sửa chữa uy tín: Cần tham khảo qua nhiều kênh để chọn nhà thầu ưng ý, đảm bảo tiến độ và chất lượng sửa chữa. - An toàn và lưu ý phong thủy: Căn nhà chính là nền móng của một gia đình nên việc sửa nhà như trổ cửa, lên cầu thang… sẽ ảnh hưởng rất lớn nên cần cân nhắc kỹ lưỡng. |