Đây là nghiên cứu của Trường sức khỏe công cộng Bloomberg thuộc ĐH Johns Hopkins (Mỹ) công bố trên báo International Journal of Obesity.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu sức khỏe của gần 164.000 trẻ 3-8 tuổi thu thập từ năm 2001 đến 2012. Các yếu tố được chú ý là chiều cao, cân nặng, chỉ số khối cơ thể, lịch sử dùng kháng sinh.
Kết quả cho thấy khoảng 21%, tương đương 300.000 trẻ đã được cho dùng kháng sinh từ bảy đợt trở lên. Đến tuổi 15, số trẻ này trung bình nặng hơn 1,5 kg so với những trẻ không dùng kháng sinh.
Lý do kháng sinh gây tăng cân, theo các nhà nghiên cứu, có thể là trong khi giết các vi khuẩn gây bệnh thì kháng sinh cũng tiêu diệt luôn các vi khuẩn cần thiết cho việc tiêu hóa thức ăn và dẫn đến tăng cân.
Theo GS Brian Schwartz tại Trường sức khỏe công cộng Bloomberg, với trẻ uống nhiều kháng sinh lúc nhỏ, số lượng cân nặng tăng lúc tuổi vị thành niên có thể không lớn nhưng kháng sinh có ảnh hưởng lâu dài và phức tạp đến cân nặng và sức khỏe lúc trưởng thành.
Ảnh hưởng của kháng sinh đến cân nặng được biết đến từ thập niên 1950 và là một lý do ngành công nghiệp chăn nuôi cho kháng sinh vào thức ăn cho vật nuôi.