Khi Chính phủ đồng hành, sát cánh với doanh nhân

Đại dịch COVID-19 khiến cộng đồng DN gặp nhiều khó khăn nhưng đồng thời cũng tạo ra môi trường để khẳng định bản lĩnh của doanh nhân, những nhà quản trị DN. Trong khó khăn chồng chất, họ đã sáng tạo, nhanh nhạy và quyết đoán hơn trước sự thay đổi khó lường của dịch bệnh.

Hàng loạt doanh nhân đã lèo lái con thuyền DN chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng thích nghi với đại dịch. Nói cách khác, cộng đồng DN, doanh nhân đã nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường và nỗ lực thích ứng để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Đơn cử như tiếp cận thị trường, khách hàng, đối tác bằng công nghệ; kinh doanh hàng hóa thông qua nền tảng số… Nhờ đó giúp DN không chỉ đứng vững tại thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế một cách mạnh mẽ. Con số xuất khẩu đạt mức kỷ lục là một ví dụ điển hình.

Song song với nỗ lực tự thân của doanh nhân, thời gian qua Chính phủ đã sát cánh cùng DN, giúp DN vượt trở ngại. Thể hiện rõ nhất là Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ, tiếp sức DN và người dân. Các gói hỗ trợ về thuế, phí, điện, nước, viễn thông, lãi suất… đã góp phần giảm khó khăn cho DN.

Không chỉ vậy, Chính phủ bằng nhiều giải pháp tăng tốc độ phủ vaccine để mọi người có thể sống trong điều kiện bình thường mới, khôi phục sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh: “Tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược và quyết định để thoát khỏi đại dịch”.

Đáng chú ý, Nghị quyết 128 đã khơi thông dòng chảy kinh tế, vực dậy sự sống của DN. Nhờ vậy, hàng chục ngàn DN hồi phục sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, cung ứng kịp thời hàng hóa cho xã hội.

Niềm tin của DN tăng lên khi nghe cam kết từ người đứng đầu của Chính phủ rằng sẽ làm mọi cách giảm thiểu dịch bệnh, đưa nền kinh tế vận hành trở lại trong giai đoạn bình thường mới.

TS Vũ Tiến Lộc đánh giá Chính phủ luôn biết lắng nghe DN với tinh thần cầu thị mà điểm nhấn quan trọng nhất là Nghị quyết 128 mở cửa lại nền kinh tế một cách mạnh mẽ. Đây là một cách tiếp sức cho các DN quay trở lại con đường phục hồi kinh doanh, vượt qua cú sốc hậu dịch bệnh, qua đó tình hình kinh tế tiếp tục được cải thiện.

Năm 2022 đã đến, trong bối cảnh dịch bệnh chưa hoàn toàn được kiểm soát, bản thân doanh nhân ý thức rõ nếu muốn tồn tại và phát triển thì phải chủ động thay đổi tư duy theo hướng thích ứng an toàn với dịch. Mặt khác, họ cũng cần được tiếp tục hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất… từ Nhà nước.

Nhưng như nhiều chuyên gia nhìn nhận, chính sách hỗ trợ chỉ có thể góp phần tăng khả năng chống chọi của DN. Vấn đề quan trọng không kém là bên cạnh sự hỗ trợ về tiền bạc, Nhà nước cần đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh để phát triển bền vững. Đó cũng là tinh thần chỉ đạo mà Thủ tướng từng nhiều lần nhấn mạnh; đó cũng là yếu tố tiên quyết cho sự phát triển lành mạnh, bền vững của nền kinh tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm